Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 12/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Tham gia thảo luận tại tổ 8, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng đã có ý kiến đóng góp về các nội dung này.

ĐBQH Đỗ Quang Thành góp ý đối với dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Góp ý vào dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân (gồm 7 Chương, 68 Điều), đa số ý kiến đồng tình với việc ban hành Luật nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý, đáp ứng yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân; ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc xây dựng, ban hành Luật này là phù hợp với chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Góp ý đối với dự án Luật, ông Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Cao Bằng đề nghị Luật cần đảm bảo phù hợp với các điều luật và điều ước quốc tế đã ký và cam kết; cần quan tâm, bổ sung, làm rõ một số nội dung về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, xử lý vi phạm quy định sử dụng dữ liệu cá nhân, về vấn đề quy định chuyển tiếp. Đại biểu Đỗ Quang Thành cũng đề nghị cần nêu rõ khái niệm về mua bán dữ liệu cá nhân và quy định cụ thể về hành vi “cấm mua bán dữ liệu cá nhân”. Về quyền chủ thể dữ liệu, đề nghị cần quy định chặt chẽ, tránh lạm dụng sử dụng dữ liệu cá nhân gây khó khăn cho các cơ quan tổ chức, quản lý, bảo vệ dữ liệu theo hướng vừa tạo điều kiện cho chủ thể dữ liệu cá nhân thực hiện các quyền của mình trên cơ sở đảm bảo lợi ích nhà nước, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
Thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu Đoàn Thị Lê An nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm thể chế hoá quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, quyền riêng tư của cá nhân, sự bất khả xâm phạm về thân thể, nhà ở, thư tín, bảo vệ quyền bí mật cá nhân, trong đó có thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Đồng thời cụ thể hóa các chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về quyền con người, quyền công dân và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và pháp luật có liên quan.

ĐBQH Đoàn Thị Lê An góp ý về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và tờ trình rút ngắn thời gian nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đại biểu quốc hội tỉnh Cao Bằng đồng tình và nhất trí cao với các nội dung trình Quốc hội, đồng thời có một số ý kiến đóng góp đối với dự thảo. Theo ĐBQH Đoàn Thị Lê An: “Về quy định tại khoản 7 Điều 1 dự thảo Luật đã quy định tăng số lượng thành viên ủy ban bầu cử của cấp xã từ 9 - 15 thành viên. Việc quy định tăng số lượng thành viên ủy ban bầu cử là cần thiết, bởi vì đây là tổ chức phụ trách bầu cử quan trọng, trực tiếp chỉ đạo công tác bầu cử và công việc liên quan công tác bầu cử tại đơn vị bầu cử. Đối với cấp xã là nơi trực tiếp thực hiện các công việc bầu cử, là nơi trực tiếp diễn ra công tác bầu cử, chỉ đạo các tổ bầu cử, các khu vực bỏ phiếu trực tiếp. Đề nghị quy định tăng thêm số lượng thành viên ủy ban bầu cử cấp xã trong Luật từ tối thiểu là 11 thành viên đến 19 thành viên. Lý do là bên cạnh vai trò quan trọng của ủy ban bầu cử cấp xã trong công tác bầu cử, việc tổ chức chính quyền địa phương cấp xã theo mô hình mới cũng mở rộng địa bàn hơn so với đơn vị trước đây, về cơ cấu tổ chức sẽ tăng số lượng chức danh là thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, tổ chức thêm cấp phòng thuộc UBND, Công an xã đã tổ chức chính quy. Trong thực tiễn của bầu cử nhiệm kỳ 2021 - 2026, các thành viên của ủy ban bầu cử, ban bầu cử sẽ được phân công tham gia phụ trách hoặc là thành viên các tổ bầu cử để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại khu vực bỏ phiếu, là nơi diễn ra các hoạt động quan trọng nhất của công tác bầu cử. Vì vậy, số lượng thành viên của ủy ban bầu cử cấp xã cần được nghiên cứu, xem xét theo hướng tăng thêm số lượng so với dự thảo Luật hiện nay. Tuy nhiên, việc kết thúc hoạt động của HĐND huyện chưa được đề cập đến hoặc chưa có hướng dẫn vì từ 1/7/2025 kết thúc hoạt động của cấp huyện. Do đó, đề nghị Ủy ban Công tác đại biểu nghiên cứu bổ sung nộ dung chuyển tiếp trong dự thảo nghị quyết hoặc sớm có văn bản hướng dẫn để các địa phương có căn cứ thực hiện”.
Tại cuộc thảo luận, đa số ý kiến đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung 47/98 điều của Luật để bảo đảm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị. Các ý kiến tán thành với việc xây dựng và ban hành luật theo trình tự, thủ tục rút gọn để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 để bảo đảm sự phù hợp với những quy định mới của Hiến pháp đang được sửa đổi, bổ sung, đồng thời phục vụ cuộc bầu cử sớm đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
La Ngà - Hà Lan