Xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình, chương trình mục tiêu quốc gia.
.jpg)
Ảnh minh họa.
Thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, các chủ đầu tư đã bám sát yêu cầu, chủ động đôn đốc các nhà thầu hoàn thiện hồ sơ để thanh toán khối lượng hoàn thành. Công tác quản lý nhà nước về đầu tư công được đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án, thiết kế kỹ thuật, dự toán đảm bảo quy trình, quy định, đáp ứng yêu cầu, khả năng cân đối nguồn vốn. Công tác đấu thầu cơ bản được thực hiện đúng quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh trong đấu thầu, lựa chọn được nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng được yêu cầu về tiến độ thực hiện gói thầu.
Tổng vốn đầu tư công của tỉnh là trên 5.366 tỷ đồng, bao gồm Kế hoạch vốn năm 2024 kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2025 và Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025. Đến hết tháng 4/2025, toàn tỉnh giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 680 tỷ đồng, đạt 12,7% kế hoạch. Cụ thể, kế hoạch vốn năm 2024 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2025 giải ngân đạt 8,3% kế hoạch. Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 giải ngân đạt 13,6% kế hoạch. So với tháng trước, tỷ lệ giải ngân tháng 4 đã cao hơn 7,8%. So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ giải ngân năm 2025 đã cao hơn so với năm 2024 là 4,9%. Toàn tỉnh có 25 đơn vị được giao vốn đầu tư công năm 2025, trong đó, 15 đơn vị sở, ban ngành giải ngân đạt 14,6%; 10 đơn vị huyện, thành phố giải ngân vốn đạt 9,3%.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng nỗ lực trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thế nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh vẫn còn đạt thấp. Thời gian tới, các cấp, các ngành và các đơn vị được giao làm chủ đầu tư tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và chính sách phát luật hiện hành về giải ngân vốn kế hoạch năm 2025; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo liên quan đến công tác giải ngân vốn và các chương trình mục tiêu quốc gia; gắn nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí đánh giá, xếp loại cơ quan, đơn vị và cá nhân trong năm; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và đặc biệt ưu tiên tăng cường, huy động nhân sự để thực hiện tốt nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân vốn; có các giải pháp đào tạo, kiện toàn đội ngũ cán bộ đầu tư công theo hướng chuyên nghiệp, lâu dài; xây dựng tổ chuyên trách tại mỗi xã, phường và ban quản lý dự án, kết nối với hệ thống số hóa quản lý đầu tư công; thí điểm cơ chế một cửa liên thông giữa các sở, ngành, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ từ khâu thẩm định đến quyết định đầu tư.
Có thể thấy rằng, vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề không mới nhưng vẫn còn dai dẳng. Để khắc phục vấn đề này, cần nhìn nhận đây không chỉ là câu chuyện kỹ thuật mà còn là vấn đề về thể chế, kỷ luật hành chính và trách nhiệm cá nhân. Chỉ khi từng cấp, từng ngành và từng cán bộ nhận thức rõ vai trò của mình, hành động quyết liệt và chủ động thì mới có thể tháo gỡ được nút thắt này, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững. Với quyết tâm cao của từng cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc một cách quyết liệt, khoa học, bài bản, tin rằng tỉnh Cao Bằng sẽ đạt được các mục tiêu đặt ra; xây dựng “Non nước Cao Bằng” ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với mảnh đất địa linh, nhân kiệt, truyền thống quê hương, cội nguồn cách mạng.
Thúy Hằng - Đàm Kiều