Đu đủ là một loại trái cây có vị ngọt thanh và rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thoải mái ăn loại quả này.
Đu đủ có ruột vàng và vị ngọt dịu là một siêu thực phẩm cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng cho sức khỏe. Đủ đủ ít calo, ít chất béo nhưng lại rất giàu chất xơ. Một quả đu đủ kích thước trung bình sẽ cung cấp cho bạn 300% lượng vitamin C cần thiết cho một ngày.
Trong Đông Y, đu đủ được gọi là mộc qua, tính hàn, vị ngọt, mùi hơi hắc, chứa nhiều nhựa (mủ).
Đu đủ chín chứa tới 90% nước, 13% đường, không có tinh bột, có nhiều carotenoit acid hữu cơ, vitamin: A, B, C, 0,9% chất béo, xenluloz (0,5%), canxi, photpho, magiê, sắt, thiamin, riboflavin.
Trong 100g đu đủ xanh có 74-80 mg vitamin C và 500-1.250 IU caroten. Đu đủ còn có các vitamin B1, B2, các acid gây men và khoáng chất như kali, canxi, magiê, sắt và kẽm.
Ăn đu đủ có rất nhiều tác dụng mang lại giá trị dinh dưỡng cao rất có lợi cho sức khỏe chẳng hạn như thanh nhiệt, bổ tỳ, làm mát gan, nhuận tràng, giải độc,...Tuy nhiên, không phải ai ăn đu đủ cũng đều tốt, nếu bị một trong số những trường hợp dưới đây thì không nên ăn đu đủ để tránh gây hại cho sức khỏe:
Người bị dạ dày
Theo tin tức trên báo Tri thức trực tuyến, ăn đu đủ chín thường xuyên sẽ kích thích hệ tiêu hoá, giảm bớt các triệu chứng khó tiêu, táo bón. Tuy nhiên, ăn quá nhiều đu đủ sẽ làm đảo lộn hệ tiêu hóa của bạn, có thể gây ra rối loạn dạ dày với các triệu chứng như là đau bụng, buồn nôn, đầy hơi, bụng trướng...
Thủ phạm chính của các triệu chứng này là sự dồi dào của chất xơ và nhựa đu đủ có trong dạ dày khiến dạ dày phải co bóp nhiều. Nó thậm chí còn kích thích dạ dày gây ra những trận nôn mửa.
Những người bị bệnh loãng máu
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng papain trong lá đu đủ có khả năng làm loãng máu. Do đó nếu đang dùng bất kỳ loại thuốc nào để chữa bệnh loãng máu hoặc thuốc chống đông máu như aspirin hoặc bệnh nhân vừa trải qua một ca phẫu thuật cách đây vài tuần, không nên ăn loại quả này do tính chống đông máu của nó.
|
Đu đủ là loại trái cây bổ dưỡng nhưng không phải ai cũng nên ăn
|
Người bị vàng da
Không những đu đủ chín, bí ngô, cà rốt, xoài… đều là những thực phẩm chứa nhiều beta caroten. Nhiều người ăn nhiều thực phẩm này dẫn đến tình trạng vàng ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mu bàn tay, mu bàn chân do ứ đọng nhiều beta caroten.
Để cải thiện triệu chứng này, bạn nên dừng ăn một thời gian. Theo dõi nếu tình trạng không được cải thiện thì nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân.
Dị ứng
Nếu bạn bị rối loạn hô hấp như hen suyễn, hoặc bất kỳ trường hợp dị ứng nào, hãy cẩn thận khi ăn đu đủ. Đôi khi phấn hoa có thể dính lên vỏ đu đủ nên hãy đảm bảo bạn đeo gang tay khi gọt đu đủ. Vứt vỏ và gang tay vào thùng rác ngay sau khi gọt xong. Bạn cũng nên che miệng và mũi bằng khăn để tránh dị ứng.
Dị ứng đu đủ thường có các triệu chứng sau: sưng miệng, ngứa xung quanh mặt và cổ họng, phát ban trên lưỡi, chóng mặt, nhức đầu, đau bụng, khó thở và khó nuốt.
Bị tiêu chảy
Giống như tất cả các loại trái cây giàu chất xơ, đu đủ không an toàn nếu ăn quá nhiều trong giai đoạn bị tiêu chảy. Nguy hiểm hơn cả là bạn sẽ rơi vào trạng thái mất nước trầm trọng.
Bị táo bón
Đu đủ được coi là phương thuốc chữa táo bón tự nhiên hiệu quả nhưng nếu quá lạm dụng thì kết quả sẽ hoàn toàn ngược lại. Mỗi ngày bạn nên uống từ 10-12 cốc nước, để không bị táo bón. Khi hàm lượng chất xơ cao, lượng nước cũng tăng lên, phân sẽ bị cứng lại. Kết quả là bạn bị táo bón.
Trên thực tế, đu đủ là một món quà tuyệt vời từ thiên nhiên dành cho con người. Tuy nhiên, bạn nên cẩn trọng, nhớ kỹ các tác dụng phụ này, ăn uống điều độ, bạn sẽ có một cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh.
(Nguồn: Sức khỏe& đời sống)