Chiều 14/8, Ban Nội chính Trung ương tổ chức họp báo thông báo kết quả Phiên họp thứ 26 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tại họp báo, thông tin về kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2024 của Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông cho biết, công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt; nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương được chỉ đạo xử lý nghiêm minh theo đúng phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên cả nước đã khởi tố mới, điều tra 2.836 vụ án với 5.975 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (tăng 841 vụ, 1.487 bị can so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 475 vụ án với 1.094 bị can về các tội tham nhũng. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 8 vụ án với 212 bị cáo, xét xử phúc thẩm 6 vụ án với 39 bị cáo; trong đó, đã hoàn thành xét xử một số vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Hiện nay, tòa án đang xét xử vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; Che giấu tội phạm; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và phương tiện thủy nội địa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố.
Ông Nguyễn Hữu Đông cũng thông tin, trong những tháng cuối năm 2024, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm những khâu còn yếu, những việc đang làm dở, nhất là chỉ đạo xử lý dứt điểm những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp tài liệu, tương trợ tư pháp, truy bắt, dẫn độ đối tượng bỏ trốn; những khó khăn, vướng mắc trong thu hồi tài sản tham nhũng, có giải pháp mạnh mẽ để khắc phục tình trạng “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Phấn đấu từ nay đến hết năm 2024, tập trung kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 30 vụ án; kết thúc xác minh, giải quyết 6 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Nhất là tập trung điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty AIC, Xuyên Việt Oil, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn, Vạn Thịnh Phát, dự án Sài Gòn Đại Ninh (Lâm Đồng),... và các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự đại hội đảng các cấp.
Cũng tại họp báo, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an đã cung cấp thông tin mới về tiến độ điều tra các vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn và Thuận An. Đây là hai vụ án đã được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo từ tháng 5. Trong đó, vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An được khởi tố ngày 11/4. Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 8 bị can. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục làm rõ dấu hiệu sai phạm trong thực hiện đấu thầu triển khai các dự án của Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An, đồng thời tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án, thu hồi tài sản cho Nhà nước và xét xử nghiêm minh sai phạm.
Theo Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, trong quá trình điều tra, các bị can đã thừa nhận sai phạm, tự động nộp và vận động gia đình khắc phục thiệt hại 62 tỷ đồng và 42.000 USD. Vụ án này Ban Chỉ đạo không xác định thời hạn hoàn thành, song tinh thần chung của cơ quan điều tra là “làm càng sớm càng tốt”. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tăng cường lực lượng tiếp tục củng cố tài liệu, chứng cứ để mở rộng điều tra vụ án và thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Đối với vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, vụ án này được khởi tố ngày 26/2, đến nay Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 23 bị can để điều tra, làm rõ sai phạm và đây là vụ án hết sức phức tạp liên quan nhiều địa phương. Về thu hồi tài sản, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu giữ tổng cộng trên 300 tỷ đồng, gần 2 triệu USD, trên 500 cây vàng và hơn 1.000 sổ đỏ các loại. "Cơ quan điều tra đang củng cố tài liệu, chứng cứ, mở rộng điều tra, thu hồi tài liệu bị thất thoát, chiếm đoạt và làm rõ sai phạm của các bị can, đối tượng có liên quan", Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho hay.
Liên quan việc mở rộng điều tra vụ Vạn Thịnh Phát, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị xét xử phúc thẩm giai đoạn 1 vụ Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB. Sau giai đoạn 1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục mở rộng điều tra vụ án và đến nay đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 34 bị can trong các vụ án Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; rửa tiền; vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới… Như vậy, vụ án đã được mở rộng và giai đoạn 2 đã hoàn tất kết quả điều tra. Bên cạnh đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đang điều tra vụ án đưa - nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và các địa phương khác liên quan Vạn Thịnh Phát và SCB../.
Nguồn: tuyengiao.vn/TTXVN