Với 600 tư liệu được trưng bày, Triển lãm “Vang mãi Lời kêu gọi thi đua ái quốc” góp phần khẳng định sự trường tồn của tinh thần thi đua yêu nước, đồng thời thể hiện quan điểm của tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong đoàn kết toàn dân, khơi dậy lòng yêu nước, sức mạnh tiềm tàng trong mỗi cá nhân, tập thể.
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2023), ngày 9/6, tại Hà Nội, Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức Triển lãm tư liệu “Vang mãi Lời kêu gọi thi đua ái quốc”.
Phát biểu khai mạc Triển lãm, đồng chí Nguyễn Xuân Dũng, Quyền Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam cho biết: Cách đây 75 năm, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, hiệu triệu, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lời kêu gọi đó đã thôi thúc hàng triệu người dân Việt Nam yêu nước, không ngại hi sinh gian khó, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, tham gia kháng chiến để bảo vệ Tổ quốc.
|
Các đại biểu tham quan Triển lãm. (Ảnh: Báo Văn hóa) |
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Người, từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng ở miền Nam, nhiều phong trào thi đua yêu nước đã được phát động, nhân rộng sức mạnh tổng hợp của mọi người, mọi nhà; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch phát triển trên mọi lĩnh vực. Từ các phong trào thi đua, nhiều tấm gương, cá nhân và tập thể điển hình đã được phát hiện, tôn vinh và nhân rộng để thi đua trở thành động lực hằng ngày đối với mỗi người và toàn xã hội. Sau 75 năm, lời hiệu triệu vẫn vẹn nguyên giá trị với tính thời sự sâu sắc.
Triển lãm "Vang mãi Lời kêu gọi thi đua ái quốc" trưng bày theo 4 nội dung: Phần 1 với tên gọi “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khởi xướng phong trào thi đua yêu nước”, nêu bật về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng...
Phần 2 có chủ đề “Lời kêu gọi thi đua ái quốc và các phong trào thi đua yêu nước”, giới thiệu các tư liệu viết về hoàn cảnh ra đời, vai trò, ý nghĩa Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các phong trào thi đua yêu nước trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế.
Phần 3 với nội dung “Những tấm gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước”, trưng bày các tư liệu viết về gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua; những cách làm giỏi, những kinh nghiệm hay được lan tỏa trong cộng đồng xã hội; biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các tấm gương điển hình trong các phong trào thi đua…
Phần 4 với chủ đề “Thi đua yêu nước – Động lực phát triển đất nước và con người Việt Nam”, giới thiệu các tư liệu viết về công tác thi đua, khen thưởng góp phần thực hiện thắng lợi các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, các mục tiêu quan trọng của đất nước; vai trò của công tác thi đua, khen thưởng trong việc phát huy sức mạnh, tài năng, trí tuệ, sáng kiến… của con người Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Xuân Dũng khẳng định, với 600 tư liệu được trưng bày, các nội dung tại Triển lãm sẽ góp phần khẳng định sự trường tồn của tinh thần thi đua yêu nước, đồng thời thể hiện quan điểm của tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong đoàn kết toàn dân, khơi dậy lòng yêu nước, sức mạnh tiềm tàng trong mỗi cá nhân, tập thể; tạo động lực cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc triển khai có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với công tác tổ chức, vận động và hưởng ứng phong trào thi đua trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Triển lãm “Vang mãi Lời kêu gọi thi đua ái quốc” diễn ra đến hết ngày 19/6 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (31 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội)./.