Dù số người sống không có điện trên thế giới đã giảm một nửa trong thập kỷ qua, nhưng con số này vẫn ở mức cao, khoảng 675 triệu người trong năm 2021, chủ yếu ở khu vực cận Sahara, châu Phi.
Số liệu trên được đưa ra trong báo cáo công bố ngày 6/6 bởi Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Cơ quan Năng lượng Tái tạo quốc tế (IRENA), Ủy ban Thống kê của Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới (WB) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Báo cáo chỉ ra rằng, thế giới vẫn chưa đi đúng hướng để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững được các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015 nhằm đảm bảo năng lượng sạch, giá cả phải chăng cho tất cả mọi người vào năm 2030.
|
Mặc dù đạt được nhiều tiến bộ, nhưng thế giới vẫn còn 675 triệu người sống trong cảnh thiếu điện (Ảnh minh họa: AFP) |
Trong báo cáo, ông Guangzhe Chen - Phó Chủ tịch phụ trách cơ sở hạ tầng của WB cho rằng, thế giới đang phải đối mặt với “sự chậm lại gần đây trong tốc độ điện khí hóa toàn cầu”.
Theo báo cáo, khả năng tiếp cận điện năng toàn cầu đã tăng từ 84% năm 2010 lên 91% vào năm 2021, nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại trong giai đoạn 2019-2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Mặc dù việc điện khí hóa các khu vực nông thôn đã góp phần vào sự tiến bộ, nhưng vẫn còn một khoảng cách lớn ở các khu vực thành thị.
Báo cáo cho biết, số người sống trong tình trạng không có điện đã giảm gần một nửa trong thập kỷ qua, nhưng khoảng 675 triệu người trên thế giới vẫn không có điện vào năm 2021. Khoảng 80% trong số họ sống ở châu Phi cận Sahara - nơi mà tình trạng thiếu điện về cơ bản vẫn không thay đổi kể từ năm 2010.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành của IEA Fatih Birol cho rằng, mặc dù quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch đang tiến triển nhanh hơn nhiều người mong đợi, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để cung cấp khả năng tiếp cận bền vững, an toàn và giá cả phải chăng đối với các dịch vụ năng lượng hiện đại cho hàng tỷ người trên thế giới.
Theo báo cáo, một số điểm đã đạt được tiến bộ, chẳng hạn như tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong ngành điện, nhưng vẫn chưa đủ để đạt được mục tiêu của Liên hợp quốc.
Báo cáo cũng cho thấy, có tới 2,3 tỷ người vẫn đang sử dụng các nhiên liệu và công nghệ gây ô nhiễm, trong đó có củi.
Trong khi đó, WHO cho biết có 3,2 triệu người tử vong hàng năm vì các căn bệnh liên quan đến việc sử dụng nhiên liệu và công nghệ bẩn. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Chúng ta phải hành động ngay để bảo vệ thế hệ tiếp theo. Các công nghệ sạch và nguồn năng lượng đáng tin cậy ở những cơ sở chăm sóc y tế có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân ở những vùng dễ tổn thương”./.
PG (theo The Brussels Times, Samaa/AFP)
Theo dangcongsan.vn