Huyện Trùng Khánh là vùng đất có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với việc trồng các loại cây ăn quả, đặc biệt là cây ăn quả có múi. Phát huy tiềm năng, lợi thế này, những năm gần đây, huyện đã từng bước hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung, đem lại giá trị kinh tế cao. Để nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng, giá trị mà cây ăn quả đem lại, huyện xác định tiếp tục tập trung chỉ đạo và hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích trồng, hướng dẫn quy trình chăm sóc, từng bước tiếp cận mô hình sản xuất hiện đại và an toàn.

Trên địa bàn huyện Trùng Khánh đã và đang hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung, đem lại giá trị kinh tế cao (Ảnh minh hoạ).
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Trên cơ sở đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tập huấn và vận động nhân dân tích cực cải tạo đất, đưa các giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Huyện đã xây dựng chương trình phục hồi và phát triển cây trồng đặc sản có nguồn gốc bản địa nhằm mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, từng bước phát triển theo hướng hàng hóa như giống cam, quýt tại xã Quang Hán và thị trấn Trà Lĩnh. Toàn huyện hiện có khoảng 202,62 ha diện tích trồng cam, quýt. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, diện tích cây cam quýt tại các vùng trồng trọng điểm liên tục giảm. Nguyên nhân là do tình trạng nhiễm một số bệnh gây hại trên các cây lâu năm, già cỗi.
Trước thực trạng này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tổ chức các đoàn công tác đến thực địa để kiểm tra, phân tích nguyên nhân. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn công tác phòng và điều trị bệnh trên cây cam, quýt tại các xóm có nhiều diện tích trồng cây cam, quýt được 6 lớp với hơn 420 lượt người tham gia; tổ chức tập huấn 8 lớp chuyên đề về công tác chăm sóc cây cam, quýt với hơn 500 lượt người tham gia; thường xuyên tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cách sử dụng phân bón với hơn 400 lượt người tham gia.
Để khắc phục khó khăn và tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với việc thực hiện Đề án nông nghiệp thông minh trên địa bàn huyện có hiệu quả, trong thời gian tới, huyện Trung Khánh mong muốn tỉnh có cơ chế, chính sách liên kết, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp theo hướng thị trường; tạo sự phát triển tập trung, theo thế mạnh của địa phương và bố trí nguồn lực trực tiếp cho thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo bước phát triển đột phá, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều loại nông sản, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân.
Nguyệt Hà - La Tuấn