Cách trung tâm thành phố Cao Bằng tầm 45km, huyện Nguyên Bình được nhiều người biết tới vì có nghề làm miến dong nổi tiếng và truyền thống lâu đời. Trong mâm cơm ngày tết, miến dong đã trở thành một món ăn quen thuộc không thể thiếu. Và miến dong Nguyên Bình được đánh giá cao bởi chất lượng và giá trị của sản phẩm còn giữ được hương vị bản sắc truyền thống.
.jpg)
Miến Phja Đén được làm với kỹ thuật chế biến cổ truyền, không có chất bảo quản, chất làm trắng.
Dưới ánh nắng của mùa xuân, người dân ở xóm Phja Đén, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình đang bận rộn để cho ra những mẻ miến dong đầu tiên trong ngày. Để có được những mẻ miến ngon, mọi người phải tranh thủ phơi cho kịp khi nắng lên.
Người dân Phja Đén không nhớ rõ nghề làm miến có từ khi nào, chỉ biết rằng đây là nghề truyền thống mà ông cha để lại. Nằm ở độ cao trên 1.000m, xóm Phja Đén có khí hậu mát mẻ cùng nguồn thổ nhưỡng đất đồi rừng phù hợp để phát triển cây dong riềng - nguyên liệu chính và cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên hương vị rất riêng của sản phẩm miến nơi này.
Nghề làm miến ở đây đòi hỏi từng công đoạn sản xuất phải thật cầu kỳ, tỉ mỉ, cẩn trọng ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Loại dong để làm miến phải là loại củ to, đều và già, được cắt rễ, rửa sạch rồi cho vào nghiền nát, lọc bỏ bã để lấy tinh bột. Sau đó, bột được lọc nhiều lần để loại bỏ sạn cát và tạp chất và lọc cho đến khi đạt độ trắng, dẻo cần thiết. Tất cả đều được làm với kỹ thuật chế biến cổ truyền, không có chất bảo quản, chất làm trắng.

Sợi miến Phja Đén có màu hơi đen hoặc trắng ngà. Bên cạnh yếu tố nguyên liệu và kỹ thuật chế biến, chất lượng và độ đẹp của miến phụ thuộc nhiều vào thời tiết khi phơi dưới ánh nắng và gió.
Từ bột dong giềng, những sợi miến thành phẩm được làm ra bằng cách hòa bột dong với nước lạnh, rồi từ từ thêm nước đun sôi và quấy liên tục, đều tay để bột không bị vón cục. Bột dong chín tiếp tục được đưa vào máy ép để ép thành sợi miến dai ngon, thơm mềm. Ngoài yếu tố nguyên liệu và kỹ thuật chế biến, chất lượng và độ đẹp của miến còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết khi phơi dưới ánh nắng và gió. Sợi miến Phja Đén có màu hơi đen hoặc trắng ngà, đây là màu sắc tự nhiên của bột khi làm chín mà không qua bất cứ công đoạn tẩy trắng hay sử dụng phẩm màu nào.
Hiện nay, do nhu cầu của thị trường và để giảm bớt sức lao động, các hộ gia đình ở Phja Đén đã cùng nhau tìm tòi học hỏi, dần đầu tư công nghệ làm miến hiện đại thay cho phương pháp thủ công. Sự góp mặt của kỹ thuật công nghệ đã làm thay đổi đáng kể hoạt động sản xuất ở đây, không chỉ nâng cao năng suất mà còn giúp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hơn trước rất nhiều. Cùng với đó, mẫu mã, bao bì sản phẩm được quan tâm làm mới hơn. Trung bình, mỗi kg miến dong Phja Đén có giá 80.000 đồng, nhiều hộ nghèo đã vươn lên làm giàu từ nghề trồng và chế biến miến dong và tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương. Sản phẩm miến dong Phja Đén cũng đã đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh, có mặt tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đồng Nai, Vũng Tàu.
Năm 2015, UBND huyện Nguyên Bình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể miến dong Nguyên Bình, tuy nhiên hiện vẫn chưa thực hiện đưa nhãn hiệu chung ra thị trường. Thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh hiện nay chủ yếu với các thương hiệu miến là miến Phia Đén và miến Mỏ Thiếc, miến Tân Việt Á, cung cấp tại các cửa hàng bán buôn lẻ, siêu thị, cửa hàng nông sản của tỉnh và đầu mối tiêu thụ tại các tỉnh khác. Trong đó, miến dong của Hợp tác xã Tân Việt Á là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2019. Hiện nay, huyện đang tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã khác về miến dong hoàn thiện các điều kiện cần thiết đạt sản phẩm OCOP của huyện và tỉnh. Thực hiện theo nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của huyện, trong giai đoạn 2021-2025, mục tiêu phát triển cây dong riềng toàn huyện đạt từ 250 - 280ha hàng năm. Đến nay, diện tích đạt hơn 261ha, ước năng suất 540 tạ/ha, sản lượng trên 14.000 tấn.
Với chất lượng, màu sắc, hương thơm đặc trưng, miến dong Nguyên Bình ngày càng trở thành một sản phẩm hàng hóa được đông đảo thực khách trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Vào thời điểm cuối năm, người dân Nguyên Bình đều mong thời tiết ủng hộ, không mưa để những mẻ miến sản xuất ra có thể phơi khô nhanh chóng kịp cung ứng ra thị trường. Nghề làm miến truyền thống không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ sản xuất còn mang đến hương vị ấm áp cho mỗi người, mỗi nhà trong dịp tết đến, xuân về.
Diệu Linh - Đàm Kiều