Từ lâu, bánh khảo đã trở thành món ăn truyền thống của người Cao Bằng mỗi ngày lễ, tết hay dịp đầu năm mới. Với người dân ở Cao Bằng, từ người già đến trẻ nhỏ đều tâm niệm, thấy bánh khảo là thấy tết. Đây là món bánh giản dị được tạo nên từ gạo nếp thơm ngon dẻo ngọt đậm vị đồng quê, thế nhưng để làm được loại bánh này đòi hỏi sự tỉ mẩn, cẩn thận nên mọi công việc phải được chuẩn bị từ giữa tháng Chạp. Nổi tiếng với hương vị thơm ngon mang nhiều đặc trưng riêng biệt, bánh khảo cũng là lựa chọn của nhiều người khi tìm mua những món quà xuân.

Bánh khảo - Món ăn truyền thống của người Cao Bằng, nổi tiếng với hương vị thơm ngon mang nhiều đặc trưng riêng biệt.
Chọn gạo, rang gạo, xay bột, hạ thổ, giã đường, làm nhân, vò bột, vào khuôn… Không quá cầu kỳ trong cách chọn nhân bánh nhưng lại đòi hỏi sự kiên nhẫn và khéo léo khi làm. Một thứ bánh mà các công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ mới có thể hoàn thành để làm quà tặng hay dâng lên mâm lễ cúng. Theo những người có kinh nghiệm lâu năm, để làm bánh khảo ngon, cần trải qua nhiều công đoạn từ khâu chọn nguyên liệu đến các khâu sản xuất. Tất cả đều đòi hỏi người làm sự khéo léo và cẩn thận. Điều quan trọng nhất là phải rang gạo trên chảo gang cho tới khi có màu vàng nhạt, giòn tan, sau đó sẽ đem xát, bột càng xát mịn bánh sẽ càng ngon. Bột sau khi ủ sẽ được quyện với đường kính trắng sẽ tạo nên một hỗn hợp sánh mịn, lúc này người thợ sẽ dùng khúc gỗ tròn để nghiền bột và đổ vào khuôn. Cuối cùng những chiếc bánh khảo được cắt thành từng khối vuông vắn với phần nhân thường là nhân thập cẩm gồm thịt mỡ, lạc, vừng. Thành phẩm là những phong bánh khảo mới ra lò ngọt thơm mùi nếp, vị đường, vị ngậy của nhân tạo nên hương vị đậm đà, riêng biệt.
Bánh khảo là món ăn truyền thống của đồng bào Tày, Nùng Cao Bằng mỗi dịp tết đến xuân về. Theo quan niệm thì chiếc bánh làm từ gạo nếp tượng trưng cho đất mẹ. Phần nhân thịt, đường, lạc là vị ngọt tượng trưng cho tình yêu thương. Chiếc bánh như một sự kết nối yêu thương, đoàn kết giữa người với người, giữa các xóm làng, các dân tộc với nhau. Cùng với sự phát triển của đất nước, ngày nay, những chiếc bánh khảo không chỉ gói gọn trong tập tục truyền thống gia đình vào dịp tết, rất nhiều gia đình đã bắt tay vào sản xuất với số lượng lớn để trở thành sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Tại cơ sở Bánh khảo Sơn Tòng, một trong những hộ làm bánh khảo lâu năm ở phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng, càng gần đến tết, không khí sản xuất lại nhộn nhịp hơn hẳn. Gần 20 nhân công đang gấp rút hoàn thành các đơn hàng cuối năm của khách. Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, cơ sở này đã huy động nguồn nhân lực cũng như các nguyên vật liệu làm bánh ngay từ cuối tháng 11 âm lịch. Trung bình mỗi ngày cao điểm, cơ sở sản xuất được 6.000 -7.000 phong bánh khảo, lượng hàng tăng gấp nhiều lần so với ngày thường do khách hàng đặt để làm quà tết với số lượng lớn. Từ năm 2013, cơ sở bánh khảo Sơn Tòng đã đặt hộp bánh có đầy đủ nhãn mác và xin cấp giấy chứng nhận sử dụng mã số, mã vạch cho sản phẩm, đồng thời đăng ký nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Hiện nay, sản phẩm bánh khảo Sơn Tòng có thương hiệu không chỉ trong tỉnh mà còn mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Đắk Lắk... Trong đợt tết năm nay, cơ sở sản xuất khoảng 10.000 phong bánh với giá cả dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/túi 10 chiếc.
Theo thời gian, bánh khảo đã trở thành đặc sản chung của Cao Bằng được nhiều người ưa chuộng, không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân địa phương, những phong bánh khảo còn được mua làm quà biếu, thắp lễ, gửi cho những người con Cao Bằng xa quê.
Những chiếc bánh nhỏ được làm nên bởi những đôi bàn tay khéo léo là món quà quê dung dị đã được mang tới nhiều vùng, miền khác nhau trên cả nước, góp phần quảng bá cho văn hóa ẩm thực của quê hương Cao Bằng.
Diệu Linh - Đàm Kiều