Năm 2022, bám sát chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hệ thống ngân hàng tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ trên địa bàn, phục vụ tốt cho nhu cầu giao dịch của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bảo đảm an sinh xã hội.
Năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do giá cả các mặt hàng tăng cao. Những tháng đầu năm, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và lây lan nhanh trong cộng đồng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh với chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, điều hành hoạt động ngân hàng trên địa bàn đã tích cực, chủ động, làm tốt công tác tham mưu với UBND tỉnh, triển khai kịp thời, có hiệu quả các cơ chế chính sách của Nhà nước, các giải pháp chỉ đạo, điều hành về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đến các tổ chức tín dụng, bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả. Căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung huy động vốn để đảm bảo cho vay phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đến thời điểm này, tín dụng trên địa bàn tăng trưởng 16,7%. Đây là một trong những nỗ lực lớn của các tổ chức tín dụng khi trong nhiều năm qua, biên độ tăng trưởng chỉ ở mức 5 - 7%, riêng năm 2022 tăng trưởng 16,7%, tiệm cận tăng trưởng tín dụng chung của cả nước. Hiện nay, dư nợ tín dụng, huy động vốn đảm bảo đáp ứng nhu cầu thiết yếu đầu tư cho vay.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Hoạt động ngân hàng tại địa phương được duy trì ổn định. Năm 2022, tổng nguồn vốn quản lý và huy động trên địa bàn đạt 26.740 tỷ đồng, so với 31/12/2021 tăng 1.622 tỷ đồng, tăng 6,5%. Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đã triển khai nhiều chương trình huy động vốn với lãi suất hấp dẫn, kỳ hạn linh hoạt, chương trình tham gia dự thưởng, hình thức tiện lợi nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư một cách tối ưu nhất. Một số ngân hàng bám sát chỉ đạo của Hội sở chính thực hiện huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu ngân hàng với lãi suất hấp dẫn, kỳ hạn linh hoạt, tính thanh khoản cao nhằm tăng quy mô nguồn vốn, tạo điều kiện để mở rộng quy mô tín dụng. Lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh công khai hàng quý. Một số ngân hàng thương mại có lãi suất hấp dẫn như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HD bank).
Các chi nhánh tổ chức tín dụng đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn, nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng; triển khai mạnh mẽ chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tăng cường truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay để nâng cao nhận thức của người dân về các sản phẩm dịch vụ ngân hàng. 100% các ngân hàng thương mại tuân thủ các quy định về room tín dụng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo chi nhánh các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả theo giới hạn cho vay (room tín dụng) được Hội sở chính giao; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Mặc dù những biến động về lãi suất đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, song, để đáp ứng các nhu cầu của khách hàng, các ngân hàng cũng đã đưa ra nhiều sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất, thu hút nhiều khách hàng tham gia, đẩy nhanh quá trình luân chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Doanh số cho vay năm 2022 đạt 22.062 tỷ đồng, so với năm trước tăng 27%. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 15.005 tỷ đồng, tăng 2.145 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 16,7%.
Một trong những điểm nổi bật trong năm qua đó là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp hỗ trợ của ngành Ngân hàng đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: giảm lãi suất cho vay, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 360 khách hàng, dư nợ được cơ cấu là 200,8 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho 274 khách hàng, doanh số cho vay lũy kế đạt 1.501 tỷ đồng; thực hiện giảm lãi vay cho 23.540 lượt khách hàng với tổng dư nợ đạt 5.774 tỷ đồng, số tiền lãi đã giảm hơn 23,6 tỷ đồng. Thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt hơn 35,2 tỷ đồng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt 9,3 triệu đồng với 4 khách hàng doanh nghiệp.
Cùng với tín dụng thương mại, hoạt động tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội cũng được quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhằm đẩy mạnh tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đến hết năm 2022, tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 3.440 tỷ đồng, tăng 510 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 17,4% so với 31/12/2021. Dư nợ tập trung ở một số chương trình: Cho vay hộ nghèo đạt 1.372 tỷ đồng (chiếm 39,9%); cho vay hộ cận nghèo 654 tỷ đồng (chiếm 19%); cho sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đạt 446 tỷ đồng (chiếm 13%); cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường đạt 167 tỷ đồng (chiếm 4,9%), còn lại các chương trình khác (chiếm 23,2%). Các chi nhánh tổ chức tín dụng làm tốt công tác quản lý rủi ro, đẩy mạnh thu hồi và xử lý nợ xấu, đánh giá và theo dõi sát sao chất lượng các khoản vay và khả năng trả nợ của khách hàng, đề ra phương án xử lý nợ xấu phù hợp, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về ngưỡng an toàn. Trong năm 2022, ngành Ngân hàng đã xử lý và thu hồi được 268,01 tỷ đồng nợ xấu.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương với tổng số tiền đạt 10,3 tỷ đồng với các hoạt động như: ủng hộ tặng quà tết cho người nghèo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán; trao tặng xe cứu thương; tài trợ xây nhà đại đoàn kết; tặng ghế đá tại các khu du lịch.
Một năm mới đã về, tiếp tục phát huy vai trò của Ngân hàng Nhà nước tỉnh trong quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng ở địa phương, năm 2023, ngành Ngân hàng phấn đấu đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phấn đấu nguồn vốn huy động tăng 6% trở lên; dư nợ tín dụng tăng 10% trở lên; nợ xấu dưới 2%/tổng dư nợ; triển khai có hiệu quả các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, nhất là các sản phẩm ngân hàng hiện đại; nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán; đảm bảo an toàn hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn tài sản.
Thuý Hằng - Diệu Linh