Mỗi dịp tết đến, xuân về, trên mâm cơm của người dân Cao Bằng ngoài thịt gà, canh măng, canh miến thì lạp sườn là một món ăn không thể thiếu. Không chỉ bởi hương vị thơm ngon, mà lạp sườn như một nét truyền thống trong văn hóa ẩm thực đa sắc màu của miền non nước Cao Bằng.

Lạp sườn là một món ăn quen thuộc của Cao Bằng, mang đậm dư vị của núi rừng, với mùi thơm thoang thoảng, vị ngọt của thịt.
Tại Cao Bằng, Hợp tác xã Tâm Hòa là đơn vị đã tiên phong trong xây dựng thương hiệu và đưa sản phẩm lạp sườn Cao Bằng vươn ra đến thị trường lớn. Lạp sườn được làm từ thịt lợn nửa nạc nửa mỡ. Sau khi mua được nguyên liệu đạt chuẩn, người làm sẽ tiến hành sơ chế, thái mỏng, tẩm ướp gia vị. Gia vị ướp lạp sườn ngoài muối, đường, hạt tiêu thì không thể thiếu các gia vị mác khén, mác mật, khinh phja, đây chính là vị đặc trưng mà chỉ có lạp sườn Tâm Hoà mới có. Bà Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Hòa cho biết, cách làm lạp sườn khá cầu kỳ, nếu làm không đúng cách, lạp sườn sẽ nhanh bị hỏng. Tất cả các khâu chế biến từ chọn lòng, rửa lòng, ướp thịt đến quá trình hun khói đều phải cẩn thận, tỉ mỉ để lạp sườn được thơm ngon nhất. Trước đây, hợp tác xã sản xuất quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu làm bằng tay, nhưng sau khi có chỗ đứng trên thị trường, đơn vị đã đầu tư nhiều máy móc vào sản xuất như máy trộn thịt, máy nhồi lạp sườn, vừa giảm tải được sức lao động, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ có sự quan tâm của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, hiện nay, đơn vị đã đầu tư thêm cả tủ sấy, góp phần giảm thiểu tối đa thời gian hun, phơi khô theo cách truyền thống mà vẫn lưu giữ được hương vị, mẫu mã đẹp mắt, hiệu quả sản xuất cao gấp nhiều lần so với cách làm truyền thống. Sau khi được hun khói bằng vỏ mía để đạt độ khô, lạp sườn sẽ được đưa vào tủ sấy để có được màu sắc đẹp nhất, vỏ lạp sườn se lại mà thịt vẫn thơm ngon, mềm. Với phương châm chất lượng là hàng đầu, nên các thành viên của hợp tác xã luôn tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong quy trình sản xuất, chế biến, đeo găng tay, đội mũ, mặc đồ bảo hộ trong suốt quá trình chế biến.
.jpg)
Lạp sườn sau khi chế biến sẽ được đem phơi hoặc sấy khô. Sau đó, lạp sườn sẽ săn lại và có màu đỏ hồng nhẹ khá hấp dẫn.
Bà Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Hòa chia sẻ: Khi mới bắt đầu làm lạp sườn để bán ra thị trường, bà chưa hề nghĩ đến thương hiệu. Nhưng từ khi thị trường có nhiều sản phẩm cạnh tranh, vấn đề xây dựng thương hiệu mới là yếu tố quyết định phát triển bền vững. Tháng 6/2012, bà chủ lạp sườn quyết định thành lập Hợp tác xã Tâm Hoà tại 124 Vườn Cam, phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng với mong muốn đưa các đặc sản của người nông dân Cao Bằng ra thị trường rộng lớn hơn. Sau khi được thành lập hợp tác xã, sản phẩm lạp sườn thương hiệu Tâm Hòa nhiều năm liền được Bộ Công Thương công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia và nhiều danh hiệu cao quý khác. Nhờ đó, Hợp tác xã Tâm Hòa từng bước tạo được uy tín với khách hàng, được tham dự các hội chợ thương mại quốc tế, hội chợ triển lãm vùng, hội chợ giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước. Trong năm 2022, sản phẩm lạp sườn Tâm Hoà đã được UBND tỉnh Cao Bằng cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Trung bình mỗi ngày, Hợp tác xã Tâm Hòa sản xuất hơn 100 kg lạp sườn, thịt hun khói thành phẩm. Vào những dịp cao điểm, sản lượng có thể lên đến từ 600 - 700 kg/ngày. Sản phẩm đã có mặt tại hơn 500 đại lý, điểm bán, chuỗi siêu thị và cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc như: Hà Nội, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hải Phòng... Hàng năm, đơn vị tạo việc tạo việc làm cho gần 30 lao động, với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Riêng dịp Tết Nguyên đán năm 2023, đơn vị đã tập trung sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, trung bình mỗi ngày sản xuất từ 3 - 5 tạ lạp sườn, cao điểm có ngày đơn vị sản xuất được 8 tạ lạp sườn thành phẩm. Chính những con số này đã khẳng định được thương hiệu của sản phẩm lạp sườn Tâm Hòa.
Với sự tâm huyết, mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thương hiệu Lạp sườn Tâm Hòa ngày càng vươn xa đến mọi miền Tổ quốc.
Đàm Kiều - Diệu Linh