Xây dựng nông thôn mới là một trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia kỳ vọng góp phần chuyển đổi nông nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân và người dân nông thôn. Thời gian qua, với cách làm sáng tạo, chủ động của các cấp chính quyền, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp những vùng nông thôn ngày một “thay da đổi thịt”, mang lại niềm vui cho người dân khi đời sống được cải thiện và nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp những vùng nông thôn ngày một “thay da đổi thịt”.
Năm 2020, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, xã Đức Long đã trở thành một trong 3 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí về đích nông thôn mới của huyện Hòa An. Trong những ngày cận tết, không khó để nhận ra diện mạo nông thôn nơi đây đã có nhiều thay đổi. Đức Long đã “chuyển mình” với những con đường, trường học, trạm y tế, kênh mương được xây dựng khang trang, nhiều mô hình kinh tế mới ứng dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả đang dần tăng thu nhập cho người dân… tạo ra bức tranh đa màu sắc ở các vùng quê nông thôn. Xác định phát huy nội lực, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân là nền tảng cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới, xã đã tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án, tập trung tuyên truyền, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế; vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh tăng vụ, đầu tư trồng các cây trồng mũi nhọn, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như cây thuốc lá, các loại giống ngô lúa mới, phát triển chăn nuôi lợn, trâu, bò sinh sản. Hiện, xã trồng trên 331 ha thuốc lá, năng suất bình quân đạt 27 tạ /ha, nhiều hộ trồng nhiều đạt thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, đời sống của bà con nhân dân trên địa bàn xã ngày càng khởi sắc. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 100 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân của người dân đạt 41,25 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện chỉ còn chiếm 8,62%.

Với những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân từng bước nâng cao.
Có thể thấy, nếu như những giai đoạn trước, chương trình xây dựng nông thôn mới chủ yếu tập trung vào các tiêu chí xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất thì sang giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng nông thôn mới đã được đặt ở mức độ cao hơn, sâu hơn, bền vững hơn. Bằng nguồn ngân sách Trung ương, địa phương, vốn tín dụng và xã hội hóa, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh huy động trên 9.500 tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, hỗ trợ sản xuất cho các xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách Trung ương phân bổ 237,5 tỷ đồng, nguồn ngân sách địa phương bố trí trên 177,9 tỷ đồng, nguồn vốn tín dụng trên 9.000 tỷ đồng, huy động từ cộng đồng dân cư hơn 78,6 tỷ đồng, nguồn huy động khác 118,4 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh duy trì 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, 64 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, 47 xã đạt 7 - 9 tiêu chí. Toàn tỉnh bình quân đạt 11,63 tiêu chí nông thôn mới /xã, tăng 0,56 tiêu chí/xã so với cùng kỳ năm 2021.

Thực hiện xây dựng nông thôn mới, tỉnh Cao Bằng phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Trong giai đoạn mới này, công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới vẫn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ đầu tư hoàn thành các công trình thiết yếu, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn về giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 50 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; không còn xã dưới 15 tiêu chí; 30% tổng số xóm trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 5% tổng số xóm trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Giai đoạn 2021 - 2025, chương trình xây dựng nông thôn mới tập trung hỗ trợ đầu tư hoàn thành các công trình thiết yếu, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn (Ảnh minh hoạ).
Với những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới thời gian qua, có thể dễ nhận thấy bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân từng bước nâng cao. Quan trọng hơn là nhận thức của người dân thay đổi rõ rệt, không chỉ đồng thuận đóng góp ngày công lao động, xây dựng các công trình thiết yếu mà còn tập trung phát triển kinh tế, giữ tình làng, nghĩa xóm, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương. Nông thôn mới, nhịp sống mới đang hiện diện trên các vùng nông thôn hôm nay.
Diệu Linh - Đàm Kiều