Vụ đông xuân năm 2021, huyện Hòa An gieo trồng trên 500 ha rau màu các loại. Do sản xuất không theo chuỗi giá trị, không kết nối với thị trường, đến nay vẫn còn khoảng 50% số rau màu “nằm trên ruộng”, không bán được vì cung vuợt quá cầu.

Đến nay, tại huyện Hòa An, vẫn còn khoảng 50% số rau màu “nằm trên ruộng”, không bán được vì cung vuợt quá cầu.
Đi dọc những cánh đồng rau của thị trấn Nước Hai và xã Hồng Việt, những ruộng rau su hào, bắp cải đã đến kỳ thu hoạch mà vẫn nằm trên ruộng. Từ sau Tết đến nay, giá rau liên tục giảm mạnh, so với vài ba tháng trước, giá rau cải giảm từ 7.000 - 10.000 đồng/kg xuống còn 3.000 - 5.000 đồng/kg, khiến cho người nông dân lao đao.
Tương tự, tại vùng trồng rau thuộc xóm Bản Chạp, xã Hoàng Tung, không có nông dân ra đồng để thu hoạch như năm trước. Là một trong những cây trồng thế mạnh đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây, xã Hoàng Tung có trên 37,85 ha trồng cà chua đang thời kỳ thu hoạch, quả sai, to đẹp, chín mọng. Qua tìm hiểu, nguyên nhân giá rau, củ, quả giảm mạnh là do vụ đông xuân toàn huyện đạt sản lượng lớn. Hơn nữa, thời tiết nắng ấm khiến rau sinh trưởng và phát triển nhanh, trong khi đó thị trường tiêu thụ chỉ tập trung trên địa bàn huyện và thành phố Cao Bằng, cùng với dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cho nông sản không tiêu thụ được. Thực trạng cung vượt cầu, người nông đành bó tay. Để giúp bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm, huyện Hòa An đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Xuân, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hòa An, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Trong thời gian tới, huyện Hòa An sẽ kết nối với doanh nghiệp nhằm khuyến khích nhân dân tiếp tục mở rộng sản xuất, khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương.
Dương Lan