Nhân kỷ niệm 200 năm Ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du (1820-2020), ngày 26/11, tại Hà Nội, Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Nguyễn Du - Truyện Kiều qua văn bản và các liên văn bản văn chương, nghệ thuật".
 |
Quang cảnh hội thảo |
Hội thảo thu hút đông đảo các dịch giả, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học trong nước và quốc tế tham dự.
Hội thảo có ý nghĩa như một sự tiếp nối, nhìn lại những thành tựu nghiên cứu về Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều, hướng đến tìm tòi mới, bao gồm những phát hiện tư liệu mới, những thông tin và diễn giải mới về cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Du, việc chuyển ngữ/tái tạo Truyện Kiều trong các ngôn ngữ khác; việc tái tạo Truyện Kiều trong sáng tác văn chương đương đại; Nguyễn Du và/hoặc Truyện Kiều qua các hình thức nghệ thuật khác (sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, hội họa, điêu khắc,...).
Hội thảo đã nhận được hơn 30 tham luận của các dịch giả, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học từ Viện Văn học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Nhà xuất bản EHESS (Trường nghiên cứu cao cấp về Khoa học xã hội - Pháp), Đại học Fulbright Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Việt Nam, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Hồng Đức, Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Huế, Đại học Quy Nhơn, Đại học An Giang, Đại học Văn Lang, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật,... và một số nhà nghiên cứu tự do đến từ CHLB Đức, Hungary...
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề: Các bản Tuồng Kim Vân Kiều, chuyển thể Truyện Kiều thành tác phẩm điện ảnh hoặc sang các loại hình sân khấu đương đại như nhạc kịch (Opera), ballet, rối cạn, kịch đương đại, múa…
Các đại biểu cho biết đối với các bản dịch hiện tại, cần đặt Truyện Kiều trong quá trình tiếp xúc ngôn ngữ, trong bối cảnh lịch sử và trên con đường bước vào văn học nghệ thuật và văn hóa thế giới để tìm hiểu hiện trạng sâu rộng hơn, cặn kẽ hơn. Bên cạnh đó, các dịch giả, nhà nghiên cứu - phê bình văn học trong và ngoài nước mong muốn thúc đẩy đưa học thuật Việt Nam hòa nhập vào đời sống nghiên cứu quốc tế, đưa Nguyễn Du và Truyện Kiều giới thiệu với bạn bè thế giới tạo kết nối văn hóa vững chắc, sinh động giữa quá khứ và hiện tại./.
Theo dangcongsan.vn