Các giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025

Cập nhật: Thứ năm , 29/10/2020 09:00

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 3 nội dung đột phá, 3 chương trình trọng tâm, quyết định về các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ở địa phương. Các báo cáo tham luận trình tại Đại hội khẳng định tiềm năng thế mạnh của tỉnh, qua đó đưa ra nhiều giải pháp căn cơ huy động nguồn lực, quyết tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đại hội.


 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra trong bối cảnh đất nước đang ra sức thi đua lập thành tích thiết thực chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, phát huy ý chí tự lực, tự cường của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã có nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức thực hiện. Cùng với các nội dung: Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII và các văn kiện quan trọng, Đại hội có nhiều tham luận sâu sắc đánh giá về kết quả đạt được, nguyên nhân tồn tại, những bài học kinh nghiệm và đề xuất nhiều giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội 5 năm tới. Các tham luận đã tập trung phân tích, đánh giá về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; kinh nghiệm triển khai Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát triển đô thị; các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn; sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính; nâng cao chất lượng hiệu quả, đẩy mạnh công tác dân vận trong tình hình mới; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; phát triển kinh tế của khẩu; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.


Bà Lê Hải Yến, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Cao Bằng đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của hệ thống chính trị tỉnh Cao Bằng giai đoạn mới.

Từ hiệu quả kinh nghiệm trong thực tiễn, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham luận và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của hệ thống chính trị tỉnh Cao Bằng giai đoạn mới. Trong đó, tiếp tục thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Đảng về công tác cán bộ. Đây là một trong ba chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2015 - 2020: Chương trình xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo bà Lê Hải Yến, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Cao Bằng, giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của hệ thống chính trị tỉnh Cao Bằng giai đoạn mới được đưa ra gồm: “Một là tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nghị quyết chuyên đề về công tác tổ chức cán bộ của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Thực hiện đồng bộ tất cả các khâu trong công tác cán bộ; thường xuyên rà soát, bổ sung, xây dựng quy hoạch cán bộ các cấp, kết hợp với công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ. Hai là đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm. Ba là xây dựng Đề án đào tạo, bồi dưỡng sát với nhu cầu thực tế, gắn với bố trí, sử dụng sau đào tạo; chú trọng bồi dưỡng kỹ năng, cập nhật kiến thức mới về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hội nhập quốc tế; cải cách hành chính, chính quyền điện tử, thương mại điện tử; xây dựng nội dung, tiêu chí đánh giá sau đào tạo, bồi dưỡng. Bốn là đổi mới chính sách sử dụng cán bộ theo hướng coi trọng phẩm chất và năng lực thực tế; thực hiện tốt việc tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm và bố trí công chức, viên chức gắn với Đề án vị trí việc làm. Năm là xây dựng chính sách, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cụ thể, rõ nguồn lực, đảm bảo khả thi, phù hợp với điều kiện của tỉnh”.


Ông Vũ Đình Quang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cao Bằng đề xuất giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương giai đoạn 2020  - 2025 là một trong những nội dung đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tham luận thông qua 5 nội dung về nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong giải quyết công việc cho doanh nghiệp và người dân; đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch; làm tốt công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại. Ông Vũ Đình Quang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cao Bằng đề xuất: “Để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, xin kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp như: Thứ nhất, cần nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các ngành, các cấp trong thực hiện vai trò, trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng với doanh nghiệp; linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết công việc; duy trì chế độ gặp gỡ, đối thoại trực tiếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của nhà đầu tư và doanh nghiệp để nắm bắt, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư và sản xuất kinh doanh. Nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác phối hợp giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động của nhà đầu tư và doanh nghiệp; đảm bảo tốt an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để các nhà đầu tư và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Thứ hai, huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung đầu tư hoàn thành giai đoạn 1 tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh; hoàn thiện hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao; khu, điểm du lịch nhằm tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư. Tạo điều kiện khuyến khích phát triển mạnh các loại hình dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, như dịch vụ tư vấn pháp lý, quản trị doanh nghiệp, mở rộng thị trường… nhằm giúp doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính, xây dựng chiến lược đầu tư, phát triển thị trường, tổ chức, quản lý doanh nghiệp một cách hợp lý, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng khả năng cạnh tranh, bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là xây dựng “Chính quyền điện tử” nhằm giảm bớt số lượng, thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, nhất là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh như thành lập doanh nghiệp, chấp thuận địa điểm đầu tư, giao đất, cho thuê đất, cấp phép xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm, tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận điện năng, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Thiết lập hệ thống giám sát thực hiện thủ tục hành chính, xử lý nghiêm khắc, kịp thời cán bộ có biểu hiện tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết công việc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Thứ tư, tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số cơ chế, chính sách, nhất là các cơ chế chính sách về sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đầu tư các hạ tầng thiết yếu theo hướng thông thoáng, thủ tục đơn giản, dễ kiểm tra, dễ thực hiện”.


Bà Nguyễn Lâm Thị Tú Anh, Bí thư Huyện ủy Hà Quảng trình bày tham luận về thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Báo cáo tham luận về thực hiện mục tiêu giảm nghèo, Bí thư Huyện ủy Hà Quảng nhận định: Với truyền thống đoàn kết, phát huy ý chí tự lực, tự cường, nhận thức rõ ý nghĩa to lớn của công tác giảm nghèo, Huyện ủy Hà Quảng đã quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, trong đó tập trung vào nhiệm vụ giảm nghèo bền vững trên cơ sở bám sát đặc điểm thực tế của địa phương và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Trung ương, của tỉnh đầu tư, hỗ trợ cho huyện. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tích cực, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân, làm thay đổi nhận thức, tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, thay đổi tập quán canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi nhằm tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm từ 59,02% đầu năm 2016 xuống còn 37,92% cuối năm 2019; trung bình mỗi năm giảm 5,22%/5%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đến nay, huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến hết năm 2020, xã Lương Can đạt các tiêu chí nông thôn mới theo kế hoạch; 96,3% số hộ được dùng điện lưới quốc gia; 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm và được nhựa hoá; trên 65% số đường liên xóm được cứng hóa; 19/21 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 21/21 trạm y tế có bác sĩ; 100% các trường học được đầu tư xây dựng kiên cố hóa; toàn huyện có 22 trường đạt chuẩn quốc gia. Để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ 4% trở lên, bà Nguyễn Lâm Thị Tú Anh, Bí thư Huyện ủy Hà Quảng nhấn mạnh: “Trong nhiệm kỳ tới, huyện Hà Quảng tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể sau: Một là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào và ý chí, khát vọng vươn lên trên quê hương cội nguồn cách mạng; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tự bằng lòng; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động trong cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc của huyện trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Hai là, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án được hỗ trợ; tiếp tục đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với tiêu thụ sản phẩm, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới. Chủ động phối hợp với các địa phương trong tỉnh, từng bước hình thành các tuor, tuyến du lịch nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch của huyện. Xây dựng cơ sở dịch vụ, du lịch, thương mại tại các di tích lịch sử văn hóa đã được công nhận và tại các địa bàn trọng điểm như Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, cửa khẩu Sóc Giang. Xây dựng mô hình dịch vụ du lịch tại khu vực Bãi Tình (xã Thanh Long), thác Nặm Ngùa (xã Ngọc Động), làng nghề giấy bản Lũng Quang (thị trấn Thông Nông), làng nghề hương Nà Kéo (xã Trường Hà); các xã vùng cao Lục Khu và các điểm, khu vực trong Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng trên địa bàn. Bước đầu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng với những yếu tố độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc của huyện. Ba là, chăm lo phát triển giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong nông nghiệp và du lịch. Bốn là, thực hiện tốt việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện gắn với sơ kết, tổng kết; tích cực bám sát, đồng hành cùng cơ sở; biểu dương, động viên kịp thời, nhân rộng các gương điển hình có ý chí vươn lên và quyết tâm thực hiện thoát nghèo. Năm là, huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện giảm nghèo bền vững. Tích cực xã hội hóa trong công tác giảm nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện thoát nghèo bền vững”.

Đại hội cũng đã nghe nhiều báo cáo tham luận của các cấp, các ngành về tập trung giải pháp khai thác, như: Phát huy lợi thế đặc thù xây dựng thành phố Cao Bằng trở thành thành phố du lịch, hiện đại, văn minh, là trung tâm phát triển, liên kết, tạo sức lan tỏa trong tỉnh; Một số giải pháp chủ yếu phát triển nông nghiệp thông minh theo hướng hàng hóa đặc sản gắn với chế biến, góp phần tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh của Sở Nông Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong khuôn khổ chương trình làm việc, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã ghi nhận ý kiến phát biểu tại tổ và tham luận tại hội trường. Các bài tham luận tập trung vào những vấn đề quan trọng, nổi bật nhất, góp phần làm rõ kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và kiến nghị nhiều giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hoàng Ngơi - Kim Dung

Tags:

Hiện chưa có bình luận nào, hãy để lại bình luận của bạn về tin tức này.

Nhập bình luận của bạn:

Để thuận tiện cho việc đăng tải, bạn vui lòng nhập các ý kiến phản hồi bằng tiếng Việt có dấu.

Gửi bình luận Nhập lại

Lịch Phát sóng

  • T2

    27/11

  • T3

    28/11

  • T4

    29/11

  • T5

    30/11

  • T6

    01/12

  • T7

    02/12

  • CN

    03/12

Xem toàn bộ

Thông tin cần biết

Thời tiết:

22°C - 36°C nhiều mây, không mưa

1 USD = Unable to connect to the remote server VNĐ

The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel./lượng