Hằng năm, cứ vào dịp cuối năm cũng là thời điểm người dân huyện Trà Lĩnh bước vào chính vụ thu hoạch cam, quýt, bán ra thị trường. Đặc biệt, quýt Trà Lĩnh đã có thương hiệu riêng, được người tiêu dùng ưa chuộng bởi có hương vị ngọt, thơm đặc trưng. Từ cây quýt đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho hộ dân nơi đây, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Người dân Trà Lĩnh đang thu hoạch quýt.
Đến với xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh trong những ngày này, có thể thấy khắp các khu vườn của người dân nơi đây rực rỡ sắc vàng cam, quýt đang mùa chín rộ. Bà con nông dân phấn khởi, tất bật thu hái bán ra thị trường. Do điều kiện thời tiết thuận lợi, cộng thêm áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nên năm nay, các vườn cam, quýt đều cho quả sai hơn so với các năm trước.
Quýt Trà Lĩnh là giống quýt nổi tiếng được trồng từ lâu đời, cho năng suất và chất lượng cao hơn so với các địa phương khác, được thị trường trong tỉnh rất ưa chuộng bởi độ chua ít, vị ngọt thơm đặc trưng, hàm lượng các chất dinh dưỡng cao, quả bóng đẹp, mọng nước. Quả chín kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch. Để có quýt chất lượng tốt, mẫu mã đẹp bán từ nay đến Tết, người trồng quýt ở đây thường căng bạt cho cây để tránh mưa và sương giá.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, những vườn quýt đã phát huy giá trị, mang lại thu nhập cho mỗi hộ từ 200 - 300 triệu đồng/vụ.
Gia đình anh Bế Văn Doanh, xóm Niếng Noọc, xã Quang Hán có truyền thống trồng cây quýt từ lâu. Nhận thấy đất đai, khí hậu tại địa phương tương đối phù hợp nên trong những năm qua, gia đình anh đã mở rộng diện tích từ 800m2 vườn ban đầu, mua thêm 1.300m2 đất vườn để trồng 160 gốc cam, quýt. Trung bình mỗi ngày, hai khu vườn của anh Doanh cho thu hoạch được khoảng 30 kg quýt, vào vụ cao điểm có thể lên đến 100kg. Những năm được mùa, được giá, trừ đi mọi chi phí, gia đinh anh Doanh cũng có thể thu được về 150 triệu đồng tiền lãi. Bởi vậy, cây cam, quýt đã trở thành cây trồng chính của gia đình.
Theo người dân trồng quýt, khi bước vào chính vụ, cây quýt sẽ chín đồng loạt. Do không sử dụng chất bảo quản nên nếu bán không kịp quả sẽ hỏng. Do đó, ngay khi quả bắt đầu chín, bà con đã thu hoạch hàng loạt đem đi bán.
Trước đây, việc tiêu thụ quýt của người nông dân chủ yếu là tự vận chuyển ra các chợ bán lẻ. Nhưng từ khi Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ năm 2017, quýt Trà Lĩnh được nhiều người biết đến. Nhờ đó, việc tiêu thụ quýt của người dân thuận lợi hơn, thị trường đầu ra tương đối ổn định. Vào vụ, các thương lái trong và ngoài huyện đến tận vườn thu mua.
Năm nay, tùy kích cỡ, quýt được chia làm nhiều loại. Giá quýt loại 1 quả to, đẹp giá khoảng 40.000 đồng/kg, quả nhỏ giá từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/kg; giá cam loại 1 quả to từ 50.000 đồng/kg. Càng gần Tết Nguyên đán, tùy thuộc nhu cầu của thị trường, giá quýt và cam cũng sẽ cao hơn, thậm chí như năm trước bán vào dịp tết có giá gấp đôi ngày thường.
Cùng với việc mở rộng diện tích đất trồng, cây quýt đã đem đến cho người dân xã Quang Hán nguồn thu nhập đáng kể và đặc biệt là khai thác tốt những diện tích đất trống, đất bỏ hoang. Thời gian gần đây, các hộ dân tại địa phương đã đẩy mạnh thâm canh, chăm sóc cây quýt theo quy trình kỹ thuật. Nhờ đó, các vườn quýt đã phát huy giá trị, mang lại thu nhập cho mỗi hộ từ 200 - 300 triệu đồng/vụ, nhiều hộ đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Đặc biệt, bà con thử nghiệm trồng thêm giống quýt đường cùng với giống quýt đặc sản địa phương để người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn.
Năm 2018, huyện Trà Lĩnh đã quy hoạch vùng sản xuất quýt theo hướng hình thành vùng sản xuất chuyên canh, tập trung; nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật từ khâu phục tráng giống đến thu hoạch, bảo quản sản phẩm theo hướng sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ, đáp ứng nhu cầu phát triển sản phẩm bền vững. Đến nay, trên địa bàn huyện Trà Lĩnh có 164ha cây quýt, trong đó 60ha đã cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở các xã Quang Hán; Cao Chương; Cô Mười và thị trấn Hùng Quốc, năng suất đạt khoảng từ 12-15 tấn/ha.
Trong thời gian tới, huyện Trà Lĩnh tiếp tục nhân rộng diện tích trồng quýt tại các xã lên 20 ha. Liên kết với các công ty, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm quýt, ổn định, nâng cao đời sống cho người dân. Đồng thời, tiến hành quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung và sản xuất hữu cơ. Đây là hướng đi mới góp phần bảo tồn và nâng tầm thương hiệu quýt Trà Lĩnh.
Thúy Hằng - Diệu Linh