Sau nhiều năm gieo trồng đại trà, đến nay, vùng cao Lục Khu, huyện Hà Quảng đã phát triển gần 200 ha gừng trâu xuất khẩu. Bằng kinh nghiệm sản xuất từ nhiều năm, vụ mùa gừng năm 2019, huyện Hà Quảng đạt năng suất bình quân từ 35 - 40 tạ/ ha, với giá thu mua 9.000 đồng/kg, do hai doanh nghiệp Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Tư vấn môi trường ( DACE) Hà Nội và Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Đức Chung ký kết với nông dân bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó mà cây gừng mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Cây gừng được xem là hướng đi mới rất quan trọng cho phát triển kinh tế vùng cao Lục Khu huyện Hà Quảng.
Tại xóm Lũng Rẩu, xã Vân An, hơn chục hộ gia đình vừa tiến hành tổng kết mô hình gừng trâu hữu cơ năm 2019. Sau khi được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hầu hết các hộ ở Lũng Rẩu đều gieo trồng đúng thời vụ, chăm sóc đúng quy trình, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học mà chỉ bón phân vi sinh, ủ phân chuồng, phân xanh chăm bón cây trồng. Đây là bước tiến mới để thay đổi tư duy của người dân, qua đó cả xã Vân An mở rộng diện tích gieo trồng từ 18 ha trong năm 2018 lên 20 ha năm 2019. Để đánh giá chính xác năng suất, doanh nghiệp, chính quyền xã đã thu hoạch điểm trên diện tích 10 m2, đạt sản lượng 65 kg gừng. Như vậy, tổng sản lượng gừng vụ mùa năm nay của xã Vân An ước đạt hơn 700 tấn. Bình quân mỗi ha có thu nhập 360 triệu đồng, giá trị kinh tế tăng gấp 10 lần so với trồng ngô, đỗ tương.
Bà Hoàng Thị Lẹn ở xóm Lũng Rẩu, xã Vân An, năm nay bước sang tuổi 75 phấn khởi trước mùa thu hoạch của gia đình, sau khi được nghe doanh nghiệp cam kết thu mua đúng giá thị trường: “Trước đây, người dân chưa biết cây gừng có giá trị cao, nên chỉ trồng ngô, đỗ tương thôi, sau đó để đất trống từ 3 đến 4 tháng. Giờ được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, thu mua theo giá thị trường, người dân chúng tôi không bán gừng cho tư thương nữa. Nếu doanh nghiệp cam kết thu mua sản phẩm lâu dài, ổn định thì cả xóm Lũng Rẩu này còn nhiều đất để chuyển sang trồng gừng. Vậy là tiền không ở đâu xa, nó nằm ở dưới lòng đất, trên các hốc đá, chỗ nào còn đất có thể trồng gừng bán lấy tiền”.
Gừng là cây trồng truyền thống ở các xã Lục Khu, nhưng trước đây người dân trồng tự phát, chủ yếu là tự cung tự cấp. Sau khi thực hiện thí điểm thành công, nhân thấy khí hậu, thổ nhưỡng tại các xóm Cải Viên, Vân An phù hợp với cây gừng, năm 2016 có hai doanh nghiệp ký kết với nông dân để bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị. Doanh nghiệp tập huấn, hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả và chất lượng gừng. Đến nay, ngoài xã Vân An, các xã Thượng Thôn, Cải Viên, Nội Thôn, Lũng Nặm, Kéo Yên, Tổng Cọt, mỗi xã trồng từ 10 đến 20 ha, nâng tổng số diện tích gừng trâu vùng Lục Khu lên 200 ha, sản lượng ước đạt hơn 2.000 tấn. Trong đó, Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Đức Chung bao tiêu sản phẩm gừng cho 2 xã Vân An và Cải Viên; Công ty TNHH DACE Hà Nội đảm nhiệm thu mua gừng tại các xã Thượng Thôn, Nội Thôn, Lũng Nặm, Kéo Yên, Tổng Cọt.
Người dân thu hoạch gừng.
Trong khó khăn về nước sinh hoạt, bốn bề là núi đá vôi, song vùng Lục Khu huyện Hà Quảng có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, trong đó cây gừng được xem là hướng đi mới rất quan trọng cho phát triển kinh tế. Theo nhận định của ông Chu Thế Giang, Giám đốc Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Đức Chung, hiện đơn vị mới chỉ thu mua gần 400 tấn gừng tươi mỗi năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ cho xuất khẩu gừng là tiềm năng rất lớn. Do vậy, 2 năm vừa qua, đơn vị phối hợp với Dự án Hỗ trợ kinh doanh nông hộ Cao Bằng tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân huyện Nguyên Bình và Thông Nông đã trồng hơn 10 ha gừng tại một số xã vùng cao.
Mô hình sản xuất và tiêu thụ gừng theo hướng xuất khẩu đã góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây là bài toán giảm nghèo bề vững khi nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Thực tế hai năm vừa qua đã xuất hiện gừng non thối củ, héo lá gây mất mùa một số diện tích. Để giải quyết tình trạng này, hai doanh nghiệp đang hợp đồng với nhân dân để thu mua gừng non với giá thị trường. Cách làm này đã hỗ trợ, khuyến khích cho người dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng gừng trở thành cây mũi nhọn để thoát nghèo ở vùng cao.
Lãnh Thiết - Quốc Quý