Cuộc thi “Giao thông học đường” là hoạt động thiết thực góp phần giáo dục kiến thức, kỹ năng, văn hóa ứng xử cho học sinh khi tham gia giao thông.
Sáng 10/1, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức họp báo về cuộc thi “Giao thông học đường” lần thứ IV năm học 2018 - 2019.
Tại lễ phát động, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, đây là hoạt động thiết thực nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và Kế hoạch năm An toàn giao thông năm 2018 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia với chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em”.
Họp báo về cuộc thi “Giao thông học đường” lần thứ IV năm học 2018 - 2019.
Cuộc thi là hoạt động thiết thực góp phần giáo dục kiến thức, kỹ năng, văn hóa ứng xử cho học sinh khi tham gia giao thông, giúp các em tiếp cận với các kiến thức về an toàn giao thông một cách gần gũi, tự nhiên theo một hình thức tuyên truyền mới, nhẹ nhàng và hấp dẫn; đồng thời tạo điều kiện để các em học sinh tiếp cận bộ đề thi lý thuyết giấy phép lái xe môtô hạng A1. Đây là một trong số ít hoạt động được Bộ GD-ĐT cho phép triển khai trong hệ thống nhà trường hiện nay.
Giao thông học đường là một cuộc thi được tổ chức thường niên, mang ý nghĩa giáo dục thực tiễn và ý nghĩa xã hội sâu sắc, đến nay cuộc thi đã tổ chức qua 3 mùa giải kể từ năm 2014.
Tiếp nối thành công từ ba mùa thi trước, cuộc thi sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ ngày 7/1/2019 đến tháng 5/2019 với 3 vòng thi: Vòng thi cấp trường từ ngày 7/1/2019 đến ngày 29/3/2019, Vòng thi cấp tỉnh từ 15/04/2019 đến ngày 24/04/2019 và Vòng chung kết toàn quốc diễn ra vào tháng 5/2019. “Giao thông học đường” được tổ chức dưới hình thức thi trắc nghiệm trên internet và đối tượng dự thi là tất cả học sinh khối trung học cơ sở và trung học phổ thông trên phạm vi toàn quốc.
Đề thi trong cuộc thi Giao thông học đường được chia theo từng cấp học với hình thức thể hiện phong phú. Trong đó: có hơn 1.000 câu hỏi về luật giao thông đường bộ, 600 loại câu hỏi về văn hóa giao thông, và gần 200 câu hỏi tình huống dạng video 3D,... Qua đó, nhiều tình huống giao thông được mô tả sinh động, giúp người thi dễ hình dung.
Bộ câu hỏi được thẩm định nghiêm ngặt bởi Vụ pháp chế Tổng cục đường bộ Việt Nam, nội dung phù hợp với pháp luật hiện hành và bám sát bộ đề thi lý thuyết giấy phép lái xe hạng A1. Từ đó mang lại những bài học bổ ích, giúp các em học sinh nhận biết các tình huống giao thông nguy hiểm, có các kỹ năng phòng tránh tai nạn và có văn hóa tham gia giao thông văn minh.
Thí sinh tạo tài khoản và dự thi online trên website http://giaothonghocduong.com.vn. Mỗi thí sinh chỉ tạo một tài khoản dự thi duy nhất.
Đặc biệt, để tạo hứng thú cho các em học sinh, cuộc thi năm nay có sự đổi mới trong hình thức và cách thức thi. Cụ thể, thí sinh tham gia trả lời 30 câu hỏi (thay vì 35 câu như các năm trước), tổng thời gian tối đa trả lời câu hỏi là 15 phút, thí sinh tùy ý chọn thứ tự câu hỏi để trả lời (Có thể bấm nút CÂU TIẾP THEO để chuyển sang câu hỏi khác và quay lại trả lời bằng cách bấm vào số thứ tự câu phía dưới chân trang) sau khi hoàn thành bài thi, thí sinh bấm KẾT THÚC để hệ thống chấm điểm.
Sau 4 tuần thi, mỗi trường sẽ chọn 01 thí sinh có điểm thi cao nhất trong 04 tuần thi để tham gia vòng thi cấp tỉnh/thành phố. Trong trường hợp thí sinh có điểm thi bằng nhau sẽ xét tiêu chí thời gian hoàn thành phần thi. Thí sinh nào có thời gian hoàn thành phần thi nhanh hơn sẽ được xếp thứ hạng cao hơn.
Kết quả sẽ được công bố trên website: http://giaothonghocduong.com.vn. Kết thúc vòng thi cấp tỉnh, mỗi tỉnh sẽ chọn 01 em đạt giải Nhất/cấp để tham gia vòng thi chung kết toàn quốc. Riêng 5 tỉnh/thành phố có số lượng thí sinh tham gia đông nhất sẽ chọn 02 thí sinh đạt giải cao nhất mỗi cấp tham gia vòng thi toàn quốc.
Để khích lệ, động viên, khuyến khích các em học trung học cơ sở, trung học phổ thông phát huy tinh thần học tập, sáng tạo khi tham gia cuộc thi, Ban Tổ chức quyết định sẽ trao giải thưởng với các mức cụ thể sau đây:
1. Vòng thi cấp trường:
- Giải thưởng tuần: Mỗi tuần thi BTC sẽ trao 03 giải/khối/toàn quốc, mỗi giải trị giá 300.000 đồng. (Có 7 khối x 3 giải = 21 giải/ tuần/ toàn quốc)
2. Vòng thi cấp tỉnh/thành phố:
+ 01 giải Nhất, mỗi giải trị giá 1.000.000 đồng
+ 01 giải Nhì, mỗi giải trị giá 500.000 đồng
+ 01 giải Ba, mỗi giải trị giá 300.000 đồng
* Cơ cấu giải tương ứng với mỗi bậc học.
* Cơ cấu giải thưởng áp dụng đối với từng tỉnh/ thành phố.
3. Vòng thi toàn quốc
+ 01 Giải Đặc biệt, giải trị giá 10.000.000 đồng
+ 02 giải Nhất, mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng
+ 03 giải Nhì, mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng
+ 05 giải Ba, mỗi giải trị giá 2.000.000 đồng
4. Giải thưởng tập thể
Có 20 giải tập thể đồng hạng cho 20 tập thể gồm trường, Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố có kết quả triển khai cuộc thi hiệu quả; Mỗi giải trị giá: 1.000.000 VNĐ kèm giấy chứng nhận của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
Các cá nhân và tập thể trong diện được nhận giải có trách nhiệm theo dõi và chấp hành các quy định về thủ tục nhận giải thưởng qua các văn bản hướng dẫn của Ban tổ chức và trên website: http://giaothonghocduong.com.vn
5. Tổng giá trị giải thưởng: 350.000.000 đồng (Ba trăm năm mươi triệu đồng)
6. Giải thưởng phụ
- Các thí sinh đạt giải vòng thi cấp tỉnh và toàn quốc; các giải tập thể sẽ được nhận Giấy chứng nhận của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
- Thí sinh đạt giải vòng thi chung kết toàn quốc sẽ được nhận thêm Giấy chứng nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Giải thưởng chính và các giải thưởng phụ có thể được bổ sung tùy theo tình hình thực tế trong việc huy động các nguồn lực xã hội hóa.
Để biết thêm thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng truy cập website: http://giaothonghocduong.com.vn./ hoặc cập nhật tin tức nóng hổi tại fanpage: https://www.facebook.com/CuocThiGiaoThongHocDuong/.
Theo VOV