
Xác chiếc máy bay B-52 của Mỹ bị quân và dân Thủ đô bắn rơi ngày 22/12/1972. Ảnh: TTXVN.
Từ góc nhìn kỹ thuật…
Đại tá, Tiến sỹ A-lếch-san-đơ, Giáo sư Viện Hàn lâm quân sự, giảng viên Viện Khoa học Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Nga và Đại tá, Tiến sỹ Mi-khai-in, Chuyên viên nghiên cứu khoa học Viện Nghiên cứu Khoa học Quân sự Bộ Quốc phòng Nga đánh giá:
(1) Cuộc không kích đã bị lực lượng Phòng không Việt Nam đáp trả xứng đáng với những tội ác mà Mỹ gây nên. Chuyên gia Nga đã đưa ra những thông số mang tính kỹ chiến thuật đối với lực lượng Không quân Mỹ và lực lượng Phòng không Việt Nam. Từ ngày 3/9/1972, biên chế tác chiến của lực lượng Không quân Mỹ khu vực Đông Nam Á đã được tăng cường lên 3 lần, lực lượng Không quân của Hải quân được tăng cường gấp 1,5 lần.
Cũng từ tháng 3/1972, lực lượng Không quân Mỹ đã tăng tần xuất không kích các mục tiêu ở Bắc Việt Nam. Sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Ních-xơn về việc đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá, thì tần suất không kích của lực lượng không quân chiến lược và chiến thuật lại tăng lên đáng kể với sự tham gia của 207 máy bay ném bom chiến lược B-52 và hơn 2.000 máy bay cường kích không quân và hải quân Mỹ. Mật độ không kích cao nhất là từ ngày 18 đến ngày 30/12/1972.
(2) Hiệu quả tác chiến 0,5%. Năm 1972, lực lượng Phòng không Việt Nam, thực hiện các nhiệm vụ tác chiến chủ yếu ở 3 khu vực chính là Hà Nội, Hải Phòng, Duyên hải và Quân khu 4. Trong giai đoạn đó, trên các trận địa phòng không có khoảng từ 30 đến 36 tiểu đoàn tên lửa S-75. Hệ số sẵn sàng chiến đấu của các tiểu đoàn tên lửa là 0,6 - 0,7. Khả năng phóng đạn đánh chặn các đợt không kích sẽ là 22 - 25 tiểu đoàn.
Trên các bệ phóng tên lửa của các phân đội sẵn sàng từ 10-12 tên lửa. Số còn lại tập trung tại các điểm cách xa bệ phóng, nạp nhiên liệu và chuẩn bị kỹ thuật. Với tần suất hoạt động của không quân Mỹ ở mức trung bình. Hệ thống tên lửa phòng không Việt Nam phóng đạn 55 lần và bắn hạ 23 máy bay. Bình quân 4 tên lửa cho 1 máy bay, hiệu quả phóng đạn là 0,5.
Đến chiến thuật “điểm chết”…
Theo chiến thuật của SAC, đội hình B-52 được bố trí theo tốp 3 chiếc hình tam giác, 1 chiếc đi đầu, 2 chiếc đi sau, bay so le cách chiếc đi đầu và cách nhau 2,4 km. Cách bố trí này tạo ra sức hủy diệt lớn của B-52 khi cả tốp cùng oanh tạc vào một mục tiêu.
Tuy nhiên, việc bố trí này lại khiến đối phương phán đoán được hướng của các chiếc còn lại trong tốp sau khi đã phát hiện ra chiếc đi đầu để bố trí tên lửa SAM tiến công, hoặc kịp trú ẩn trước khi bom của cả tốp B-52 trùm lên mục tiêu.
Trước khi ném bom, các hệ thống gây nhiễu được kích hoạt. Cả tốp sẽ bẻ một góc 90 độ bỏ chạy sau khi thả bom xong. Do vậy, các đơn vị SAM của Việt Nam sau khi phát hiện được vị trí của chiếc B-52 đầu tiên đã theo dõi sát điểm ngoặt 90 độ này, tính toán để phóng lên một tên lửa ngay “điểm chết” này khi chiếc B-52 đầu tiên cũng vừa lao tới.
Trong thời gian này, các hoạt động xuất kích của tốp B-52 luôn phải tuân theo lộ trình bay cố định. Nếu mục tiêu được lệnh oanh tạc nhiều lần thì các tốp B-52 sẽ lần lượt bay đến mục tiêu theo cùng một hướng, cùng độ cao rồi thả bom. Đây chính là sơ hở “chết người” của các sĩ quan chỉ huy, khiến cho Đại úy Không quân Xnây-đơn-man đã phẫn nộ kêu lên trong cuộc họp (17/12/1972) rằng: “Rõ ràng là chúng ta đã xuất phát theo những hướng bay, độ cao cố định và điều này không khác gì với cảnh lính Anh ra trận trong Thế chiến I - đi đều, quỳ và bắn theo hàng”.
Chiến dịch Linebacker vẫn diễn ra đúng như kế hoạch của SAC. Tối 18/12/1972, Mỹ sử dụng các máy bay B-52 từ đảo Gu-am tiến công Hà Nội theo 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 4 giờ. Thực hiện kế hoạch này, trong đợt không kích đầu tiên, các máy bay F-111 bay vào miền Bắc ở tầm bay thấp với tốc độ siêu âm để tiến công các sân bay. Các máy bay F-4 bay trước để rải nhiễu kim loại chống ra-đa, tiếp theo là các tốp B-52, rồi hơn 100 chiếc F-4 có nhiệm vụ đánh chặn MiG của Việt Nam để bảo vệ B-52.
Các tốp B-52 được bố trí bay qua mỗi mục tiêu từ 2-3 phút trên cùng một đường bay, cùng một tốc độ và độ cao. Khi tốp đầu tiên xâm nhập vùng trời Hà Nội, nhiều tên lửa SAM bắn lên đã không trúng mục tiêu. Đến đêm 20/12, các phi công Mỹ đã ngạc nhiên khi thấy một số máy bay MiG chỉ bay lên nhưng không gây rối hoặc tiến công mà không hề biết rằng các phi công MiG chỉ có nhiệm vụ ghi nhận các số liệu về hướng bay, tốc độ và độ cao của các tốp B-52 để báo cáo về cho các trận địa SAM. Cuối cùng, Mỹ mất thêm 6 chiếc B-52 trong đêm đó.
Và suýt bị “diệt chủng”…
Lúc 18h30 phút ngày 18/12/1972, 67 chiếc B-52 được khoảng 100 máy bay chiến thuật hộ tống xuất kích từ đảo Gu-am, bay theo thế trận “hành khúc chân voi” trên một vùng trời dài khoảng 100 km, đội hình máy bay chuyển hướng bay dọc sông Mê Công lên phía Bắc để vào Hà Nội.
Đến 19h40 phút, B-52 Mỹ đã bắt đầu trút hàng tấn bom xuống Hà Nội. Theo tài liệu thống kê, trong đêm 18/12/1972, Mỹ đã huy động 90 lượt máy bay B-52 và 135 lượt máy bay chiến thuật đánh liên tiếp vào các sân bay xung quanh Hà Nội và một số khu vực trọng yếu khác. Đồng thời, Mỹ đã huy động 28 lượt máy bay hải quân đánh phá Hải Phòng.
Mặc dù sức mạnh của Không quân Mỹ được cho là “vô song”, nhưng Quân đội Việt Nam đã tổ chức đánh B-52 một cách bài bản với lực lượng không quân đánh chặn vòng ngoài, pháo cao xạ và lưới lửa tự vệ đánh dạt các lớp máy bay chiến thuật tạo điều kiện để ra-đa, tên lửa tìm diệt B-52.
Vào lúc 20h13 phút, chiếc máy bay B-52 đầu tiên đã bị bắn rơi tại xã Phù Lỗ (Đông Anh, Hà Nội). Lúc 4h39 phút, ngày 19/12/1972, chiếc B-52 thứ hai bị bắn rơi. Cùng ngày, một chiếc B-52 khác đang trên đường về căn cứ U-ta-pao/Thái Lan tiếp tục bị bắn rơi. Sau hai ngày đầu tiến công Hà Nội, Mỹ bị thiệt hại 5 chiếc B-52.
Đêm 20/12/1972, lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam đã đáp trả bài bản hơn đã trở thành một đêm kinh hoàng với các phi công B-52 Mỹ. Kết quả là 6 chiếc B-52 bị bắn rơi, 12 phi công Mỹ bị bắt sống. Chỉ trong 4 ngày đầu, Mỹ đã bị thiệt hại 12 máy bay B-52, điều này đã khiến chiến dịch Linebacker II phải kéo dài thêm 3 ngày so với kế hoạch ban đầu.
Từ đêm 22/12, tần suất và cường độ tiến công của máy bay B-52 và máy bay chiến thuật Mỹ có dấu hiệu giảm sút. Lý do là các phi công B-52 đã tìm mọi cách lảng tránh Hà Nội sau khi nếm trải sức kháng cự mãnh liệt của quân dân Việt Nam. Theo các cựu quân nhân Mỹ từng đóng quân ở căn cứ Óp-phút (Nê-bra-xka) cho biết: Nếu các phi công Mỹ không lo sợ trước sự đáp trả của Việt Nam mà vẫn cứ thực hiện theo mệnh lệnh thì chỉ sau 2 tuần lễ, toàn bộ số B-52 của Không quân Mỹ bị “diệt chủng”.
Đến 21/12, số lượt B-52 tiến công Hà Nội mỗi đêm chỉ đánh 1 lượt với mỗi đợt từ 24 đến 33 máy bay B-52. Đêm 24/12, một chiếc máy bay B-52 nữa bị bắn rơi, nâng số máy bay B-52 bị bắn hạ trong 6 ngày đầu là 17 chiếc, 5 máy bay F-111 và 24 máy bay khác. Đêm 26/12, Mỹ lại tổ chức một đợt không kích rầm rộ với 129 máy bay B-52, đánh dồn dập mỗi mục tiêu từ 3 hướng khác nhau. Bom Mỹ đã hủy diệt một số khu phố Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai... Tuy nhiên, Mỹ đã phải trả giá đắt với 18 máy bay bị bắn hạ, trong đó có 8 chiếc B-52. Sau đó, mỗi đêm Mỹ tổ chức khoảng 50 lượt B-52 không kích Hà Nội. Trong các ngày 27, 28 và 29-12/1972, quân ta lại bắn rơi thêm 7 máy bay B-52.
Vào lúc 7h ngày 30/12/1972, Chính phủ Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ Bắc vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị gặp lại đại diện của Chính phủ Việt Nam tại Pa-ri để bàn tiếp việc ký Hiệp định. Trong 12 ngày đêm của chiến dịch Linebacker II, Mỹ đã đưa 663 lượt B-52 tiến công miền Bắc, khoảng 3.920 lượt máy bay chiến thuật và rải khoảng 10 vạn tấn bom toàn miền (Hà Nội 4 vạn tấn).
Kết thúc trận “Điện Biên Phủ trên không”, bộ đội Việt Nam đã tiêu diệt được 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B-52, 5 chiếc F-111, bắt được 43 phi công Mỹ (33 phi công B-52). Sau này, trong một chuyến đến thăm Bảo tàng lịch sử Việt Nam tại Hà Nội vào năm 1973, cựu Ngoại trưởng Mỹ ông Kít-sinh-gơ đã nhận xét: “Đây chính là Điều 1 của Hiệp định Pa-ri”.
43 năm đã trôi qua, lời nhận xét của ông Kít-sinh-gơ và lời than phiền của các cựu quân nhân Mỹ từng đóng quân ở căn cứ không quân Óp-phút/Nê-bra-xka ngày nào vẫn được các chiến lược gia quân sự và dư luận nhắc đến.
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam