Xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã (TCQGVYTX) là một chính sách lớn nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cung ứng dịch vụ y tế tại tuyến xã - tuyến y tế gần dân nhất, giải quyết cơ bản các vấn đề chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Song quá trình thực hiện còn rất nhiều khó khăn, đòi hỏi cấp ủy và chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa đến công tác này và đây cũng là một trong những chỉ tiêu đối với các xã khi tiến hành xây dựng nông thôn mới.
 |
Trạm Y tế xã Cao Chương (Trà Lĩnh) phấn đấu đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã trong năm 2015. |
NỖ LỰC THỰC HIỆN TIÊU CHÍ QUỐC GIA VỀ Y TẾ XÃ
Trong những năm qua nhận thức về vai trò và sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với công tác xây dựng xã đạt TCQGVYTX đã được cải thiện từng bước. Nhiều địa phương đã đưa nội dung củng cố y tế cơ sở, xây dựng xã đạt bộ TCQGVYTX vào nghị quyết của Đảng ủy, HĐND và UBND các cấp để phối kết hợp chỉ đạo thực hiện, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
100% xã đều thành lập Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân với sự tham gia của lãnh đạo chính quyền xã và các ban, ngành, đoàn thể liên quan. Việc củng cố tổ chức, bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực cho tuyến xã được ngành y tế quan tâm. Đến hết năm 2014, tỷ lệ trạm y tế có bác sỹ làm việc đạt 155/199 trạm, chiếm 77,9%, trong đó, 152 trạm y tế có bác sỹ định biên; 100% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc cả nữ hộ sinh và y sỹ sản nhi. Cán bộ trạm y tế xã và nhân viên y tế thôn bản được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, củng cố, tăng cường kỹ năng cơ bản về truyền thông giáo dục sức khỏe. 100% trạm y tế được xây dựng tại những vị trí người dân dễ dàng tiếp cận về giao thông. Đa số các trạm y tế xã có diện tích sử dụng tương đối đủ theo quy định của trạm y tế xã đạt chuẩn, khối nhà chính của trạm y tế xã đều là nhà được xếp hạng từ cấp IV trở lên, có điện lưới và nguồn nước hợp vệ sinh. Hạ tầng cơ sở các trạm y tế xã được quan tâm đầu tư nâng cấp. Các trạm y tế đều có từ 70 - 82% trang thiết bị y tế dành cho tuyến xã, 100% trạm y tế xã có tủ thuốc thiết yếu, thuốc bảo hiểm y tế...
Ông Hoàng Văn Ninh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thông Nông cho biết: Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân huyện thường xuyên đôn đốc các xã, thị trấn triển khai thực hiện, huy động các nguồn lực, dự án đầu tư nâng cấp các trạm y tế xã, bổ sung trang thiết bị khám chữa bệnh và bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, nâng cao trình độ chuyên môn. Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Sở Y tế và các trung tâm chuyên khoa trực thuộc Sở giám sát, hỗ trợ y tế tuyến xã thực hiện có hiệu quả công tác khám chữa bệnh, các chương trình y tế quốc gia và các chương trình y tế khác của địa phương. Đến nay, huyện có 5/11 xã, thị trấn đạt TCQGVYTX. Huyện phấn đấu đến năm 2020, có trên 90% xã, thị trấn đạt TCQGVYTX.
Cùng với hạ tầng cơ sở, trang thiết bị và nguồn nhân lực, cơ bản các trạm y tế triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; giám sát, phát hiện, báo cáo kịp thời các bệnh dịch truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế. Các chương trình mục tiêu y tế Quốc gia được triển khai, thực hiện đồng bộ. Việc khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế, các đối tượng chính sách và trẻ em dưới 6 tuổi được thực hiện tại trạm y tế xã, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh theo quy định. Quản lý tốt nguồn kinh phí do các chương trình mục tiêu y tế Quốc gia cấp.
Đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, xử lý rác, xử lý phân gia súc, vệ sinh lao động cho nhân dân. 100% xã, phường, thị trấn đều có kế hoạch và triển khai công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Các hoạt động phòng chống HIV/AIDS được triển khai rộng khắp tại 100% xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, trạm y tế xã có cán bộ được phân công phụ trách công tác phòng, chống lao, tâm thần... Phát hiện, điều trị và quản lý các bệnh dịch nguy hiểm và bệnh xã hội, như: sốt rét, sốt xuất huyết, lao. 100% xã triển khai công tác khám bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo mọi người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay từ cơ sở, với chi phí thấp, số lần khám chữa bệnh tại trạm y tế xã và tại gia đình đạt 2 lần/người dân/năm, chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến xã từng bước được nâng cao; tỷ lệ người bệnh được khám và điều trị bằng y học cổ truyền tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt trên 25%...
NHỮNG “RÀO CẢN” TRONG XÂY DỰNG TCQGVYTX
Trong thực tế việc triển khai thực hiện bộ tiêu chí trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do bộ tiêu chí ở giai đoạn 2011 - 2020 có nhiều chỉ tiêu được nâng lên so với giai đoạn trước. Cụ thể như tiêu chí về nhân lực y tế, mặc dù đã có các chính sách ưu đãi thu hút cán bộ y tế ở vùng khó khăn, song tình trạng thiếu nhân lực chưa được cải thiện. Hiện toàn tỉnh, tỷ lệ xã có bác sỹ mới đạt 77,9%. Cùng với đó là thành phần và cơ cấu cán bộ y tế tại trạm theo chức danh chuyên môn theo quy định tại Thông tư 08/2007/TTLT-BYT-BNV vẫn chưa đáp ứng số lượng, cơ cấu chưa hợp lý, nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyên môn y tế xã; tỷ lệ trạm y tế xã không có cán bộ y học cổ truyền, cán bộ dược vẫn cao.
Tình trạng trạm y tế xã xuống cấp về cơ sở vật chất và thiếu trang thiết bị cũng là một trong những “rào cản” khiến y tế tuyến xã khó hoàn thành tiêu chí trong quy định bộ TCQGVYTX. Vì theo tiêu chuẩn thì “Trạm y tế xã được xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế trạm y tế cơ sở và tiêu chuẩn ngành; đảm bảo đủ số lượng và diện tích của các phòng để thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao”, nhưng đến hết năm 2014, toàn tỉnh chỉ có 73 trạm y tế được xây đạt chuẩn, còn lại 126 trạm y tế xã, phường, thị trấn đều đầu tư xây dựng đã lâu, hiện nay đều đã xuống cấp, chật hẹp. Tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn chỉ có trang thiết bị thông thường, phục vụ công tác khám chữa bệnh ban đầu, chưa có trang thiết bị chuyên khoa và đủ theo quy định của Bộ Y tế.
Bà Nông Thị Tiểu, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cao Chương (Trà Lĩnh) cho biết: Xã Cao Chương là xã được huyện đưa vào thực hiện xã đạt TCQGVYTX trong năm 2015. Nhưng đến nay, ngoài nhà trạm y tế vừa được đầu tư đưa vào sử dụng đáp ứng được tiêu chí về cơ sở vật chất, còn các tiêu chí khác như thiết bị y tế đến nay trạm chỉ có những trang thiết bị thông thường như tủ thuốc, máy đo huyết áp, nghe tim phổi còn lại vẫn chưa được đầu tư trang thiết bị chuyên khoa theo quy định của Bộ Y tế. Chưa kể một số tiêu chí khác như: vấn đề vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế do nhận thức, ý thức của người dân chưa cao, tỷ lệ khám chữa bệnh tại trạm cũng giảm do xã nằm ngay gần trung tâm huyện nên người dân khi ốm đau thường đến Bệnh viện Đa khoa huyện để khám chữa bệnh. Trước đây, muốn vượt tuyến người dân phải qua trạm y tế xã khám và lấy giấy giới thiệu, nay quy định này không còn nên người dân không cần đến trạm y tế xã khám…
Khó khăn ở xã Cao Chương cũng là khó khăn chung của nhiều xã trên địa bàn tỉnh hiện tỉnh nay. Bên cạnh đó còn một số khó khăn đặc thù của tỉnh, như: Điều kiện phát triển kinh tế khó khăn, giao thông không thuận lợi, còn tồn tại một số phong tục, tập quán lạc hậu khi mang thai và khi đẻ trong đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 cao, tỷ lệ khám thai từ 3 lần trở lên trong 3 kỳ thai nghén còn thấp; tại các xã vùng sâu, vùng xa tỷ lệ đẻ tại nhà còn cao; vấn đề vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế do lối sống, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, gia súc, gia cầm còn thả rông, chưa làm chuồng trại để chăn nuôi hoặc làm dưới gầm sàn nhà ở... Đó là những thách thức với việc triển khai công tác y tế nói chung và thực hiện bộ TCQGYTX nói riêng.
Ông Nguyễn Văn Lê, Phó Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: Trong việc xây dựng xã đạt TCQGVYTX, ngoài trách nhiệm của ngành y tế, thì cấp ủy, chính quyền các địa phương có vai trò quan trọng. Bởi trong bộ TCQGVYTX, có nhiều tiêu chí và chỉ tiêu trong các tiêu chí mang tính chất cộng đồng, cần có sự hưởng ứng của nhân dân và sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương thì mới thực hiện được. Đơn cử như việc giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể cân nặng/tuổi; tăng tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường...
Để thực hiện hiệu quả lộ trình theo mục tiêu đến hết năm 2015, có ít nhất 40% (80 xã) đạt TCQGVYTX, đến năm 2020 có 60% (120 xã) đạt TCQGVYTX, hơn lúc nào hết, ngành y tế cần đôn đốc và có kế hoạch, giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình của từng địa phương để thực hiện tốt hơn bộ TCQGVYTX; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện TCQGVYTX, từ năm 2011 đến năm 2014, toàn tỉnh có 60 xã được UBND tỉnh công nhận đạt TCQGVYTX (chiếm 30,15% số xã), đạt 75% kế hoạch đề ra. Các trạm y tế đạt TCQGVYTX thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia đạt trên 85% chỉ tiêu, có đủ phương tiện cần thiết và khả năng chuyên môn để thực hiện thường xuyên ít nhất 80% các kỹ thuật có trong quy định phân tuyến kỹ thuật và danh mục kỹ thuật trong khám chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành, trên 60% bà mẹ mang thai được tư vấn và tiêm đầy đủ vắc xin, tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ap dụng các biện pháp tránh thai đạt trên 65%...
|