Then là một hình thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng lâu đời của người Tày Cao Bằng. Hát then và cây đàn tính bắt nguồn từ cuộc sống lao động tập thể, xuất hiện từ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng người Tày cổ.

Then là một hình thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng lâu đời của người Tày...
Then tính xuất hiện từ lâu, song chúng ta vẫn chưa xác định chuẩn xác thời điểm sinh ra nó. Chỉ biết rằng, then tính phát sinh và phát triển gắn liền với quá trình lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, nơi quê hương biên viễn Cao Bằng.
Cao Bằng được coi là nơi khởi nguồn của phong cách then nam hay còn gọi là then võ; nơi có nhiều thầy then giỏi nghề, hát hay, đàn giỏi, thực hành các nghi lễ then đúng quy cách cổ truyền. Nghi lễ then cúng ở Cao Bằng có nhiều loại khác nhau, nhưng các loại thường gặp là: then kỳ yên, then pây sử, then cái cấu, cầu bjoóc, then hỉn ẻn (hỉn én)... Nội dung và hình thức then ở Cao Bằng mang những đặc điểm chung của then Tày, Nùng; đồng thời lại có những nét riêng của then Cao Bằng thể hiện ở một số chi tiết trong cách đàn, hát, múa, y phục...

... đồng thời cũng là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc.
Ra đời và phát triển lâu dài trong lòng dân tộc, then chứa đựng trong nó những dấu ấn về lịch sử xã hội người Tày. Điều đó được thể hiện rõ nhất qua diễn xướng then và đặc biệt là văn bản lời hát then. Trải qua những thăng trầm của thời gian và sự biến cải bởi phương thức truyền miệng, nhưng về cơ bản, diễn xướng then trong đó có lời hát then vẫn giữ được những nội dung phản ánh ban đầu.
Then là tích hợp các giá trị văn hoá, phản ánh được trong nó nhiều nét đẹp trong truyền thống của người Tày. Đó là tinh thần cộng đồng, sự đoàn kết tương trợ giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và rộng ra là trong làng bản. Sự cổ vũ nhiệt tình và trân trọng của cộng đồng đối với thầy then đã chứng tỏ rằng then có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội của người Tày. Qua đó, có thể thấy rằng, đối với đồng bào Tày nói chung thì nghề thầy cúng trong đó có then là nghề cứu nhân độ thế, những người làm nghề chân chính luôn nhận được sự trân trọng của mọi người.

Đối với các lễ then thường (then đi hành nghề) thì còn thấy được ở đó các giá trị thuộc về đạo đức, lối sống gắn với những truyền thống văn hoá lâu đời của người Tày. Chẳng hạn như truyền thống yêu già kính trẻ là một trong những nét đẹp nổi bật trong văn hoá ứng xử được thể hiện khá rõ trong nghi lễ giải hạn. Với mong muốn trẻ em sinh ra được khoẻ mạnh, thông minh, trong lễ đầy tháng, gia đình thường làm lễ thôi nôi và đồng thời làm lễ cúng Mẹ Hoa. Ngoài ra, trong then có khá nhiều nghi lễ liên quan đến người già như lễ mừng thọ cho cha mẹ là tục thể hiện sự cầu mong ông bà cha mẹ trường thọ với con cháu.
Mặt khác, then là sự hội tụ những tài hoa nghệ thuật trong dân gian. Những thầy then bằng công việc của mình đã góp phần đắc lực vào việc phổ biến và lưu truyền nghệ thuật biểu diễn then từ đời này sang đời khác. Nếu như trong lễ then thường, các nghệ nhân chỉ biểu diễn chính là đàn và hát thì trong then cấp sắc, họ đã thực sự thể hiện hết mình thông qua các hình thức biểu diễn như múa, diễn trò, nhập đồng... Đặc biệt, ở đây phải kể đến các điệu múa trong then. Chỉ có thông qua lễ cấp sắc, người xem mới thực sự được thưởng thức hết vẻ đẹp tinh tế, sự phong phú và cuốn hút của các điệu múa dân gian Tày. Và vì vậy, cũng có thể nói rằng then đại lễ trong đó có then cấp sắc là một diễn xướng góp phần lưu giữ những giá trị văn hoá nghệ thuật tinh túy của người Tày.

Trong then cấp sắc, sự phối kết hợp của các thành tố trong nghệ thuật biểu diễn như hát, đàn tính, xóc nhạc, múa... một cách đan xen, hoà nhập đã tạo nên một hình thức nghệ thuật biểu diễn then khá đặc trưng của người Tày.
Then nói chung và đặc biệt là then cấp sắc nói riêng là sự tập trung cao độ nghệ thuật nguyên hợp của người Tày với sự tham gia của nhiều thành tố nghệ thuật khác nhau mà tiêu biểu là nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn cộng với môi trường diễn xướng mang đậm màu sắc tâm linh. Sự phối kết hợp của các thành tố trong nghệ thuật biểu diễn như hát, đàn tính, xóc nhạc, múa... một cách đan xen, hoà nhập đã tạo nên một hình thức nghệ thuật biểu diễn then khá đặc trưng của người Tày. Có thể tìm thấy sự phong phú đa dạng từ ngay trong mỗi thành tố của nghệ thuật biểu diễn. Âm nhạc trong then là sự hội tụ các làn điệu dân ca của từng địa phương dân tộc Tày. Vì vậy, then của mỗi địa phương là sự phản ánh những sắc thái và phong cách biểu diễn của từng địa phương. Do đó, thông qua diễn xướng then, người thưởng thức sẽ dễ dàng nắm bắt được đặc trưng cũng như phong cách biểu diễn của từng dòng then. Chẳng hạn, phong cách biểu diễn của các thầy then nam miền Đông Cao Bằng mạnh mẽ, tự tin với những tiết tấu âm nhạc nhanh mạnh, phóng khoáng trong khi then miền Tây giàu nữ tính nên nhẹ nhàng, sâu lắng, thiên về tâm tình tự sự.

Then được sử dụng trong nhiều nghi lễ của người Tày.
Thông qua nhãn quan của những người làm nghề then, thế giới ba tầng được hiện lên thật rành mạch với cõi trời, cõi đất và cõi nhân gian mà ở đó với tư cách là người thông quan được với thần linh, người làm then đã đi lại được một cách dễ dàng từ cõi này sang cõi khác. Thông qua thầy then, cõi trời được cụ thể hoá, hiện thực hoá như là một hình ảnh lý tưởng của cõi nhân gian. Hay nói cách khác, then đã nhân hoá cõi trời. Ngoài cung phủ nguy nga tráng lệ, cõi trời của then cũng rất gần gũi với đời thường: có rừng, có biển, có ruộng vườn, chợ búa... Điều đó phản ánh sự nhận thức một cách hồn nhiên, thô mộc trong thế giới quan của người Tày, Nùng.
Phan Huế - Ánh Nguyệt