5 năm qua (2010 - 2015), Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bảo Lâm đã nỗ lực vượt mọi khó khăn, hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/18 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt từ 12 - 13%/năm, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch khá theo hướng tăng dần tỷ trọng các nhóm ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, nhân dân tin tưởng vào công cuộc đổi mới.
 |
Nhân dân xóm Bản Miầu, xã Vĩnh Quang (Bảo Lâm) thu hoạt lúa mùa.
|
Tổng sản lượng lương thực năm 2015 ước đạt 25.000 tấn, bình quân tăng 1,53%/năm; bình quân lương thực đầu người đạt 400 kg/năm; tỷ lệ sử dụng giống mới đạt 70 - 80% diện tích canh tác. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch khá theo hướng tăng dần tỷ trọng các nhóm ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 18%, dịch vụ tăng 20%, nông - lâm nghiệp tăng 9%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 10 triệu đồng/năm. Toàn huyện xây mới, sửa chữa 87 công trình thủy lợi, đảm bảo tưới tiêu 506 ha; trồng mới 1.216 ha rừng, khoán bảo vệ 7.000 ha rừng, khoanh nuôi 2.000 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49%. Chăn nuôi có bước chuyển biến tích cực cả cơ cấu đàn và chất lượng đàn, năm 2010 tổng đàn trâu, bò của huyện 40.345 con, đến tháng 5/2015, tổng đàn đạt gần 50.000 con, bằng 100% mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân, xây dựng giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở vật chất trường học. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, 158/196 xóm có đường ô tô đến xóm; 13/14 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia với khoảng 36% hộ dân được sử dụng điện. Giao thông nông thôn mở mới đạt 80,6%, vượt 10% so với mục tiêu Đại hội đề ra. Hoạt động thương mại - dịch vụ có bước phát triển, giá trị sản xuất các ngành dịch vụ bình quân tăng trên 4,8%/năm, 100% xã, thị trấn có mạng lưới điện thoại di động và cố định. Tổng thu ngân sách năm 2010 đạt 10,6 tỷ đồng, đến năm 2014 tăng lên 38,6 tỷ đồng, bằng 258% so với mục tiêu Đại hội đề ra.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng, bình quân hằng năm có từ 79% trở lên gia đình, 75% làng, bản, 90% cơ quan, đơn vị đạt văn hóa. Công tác giáo dục và đào tạo có bước phát triển, mạng lưới trường, lớp được duy trì và phát triển đến khắp các xóm bản vùng cao, vùng xa của huyện. Đến nay, toàn huyện có 58 trường học từ bậc mầm non đến THPT với 916 lớp, 16.188 học sinh, tăng 16 đơn vị trường và 162 phòng học so với đầu nhiệm kỳ; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp và tỷ lệ huy động trẻ ra lớp các bậc học tăng, công tác phổ cập giáo dục các bậc học đạt kết quả tích cực. Toàn huyện có 3 trường đạt chuẩn Quốc gia. Trong 5 năm, nhân dân hiến hơn 2.600 m2 đất xây dựng các phòng học mới, đóng góp 1.300 ngày công lao động san gạt mặt bằng, tu sửa trường lớp, mở đường đến các phân trường, lớp lẻ.
Mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố và mở rộng đến các thôn bản. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đảm bảo, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm bình quân từ 1 - 1,5%/năm; 5/14 trạm y tế xã có bác sỹ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 5 - 7%/năm, đến hết năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 37,4%. Công tác dân tộc tôn giáo được chú trọng, 5 năm qua, huyện đầu tư trên 73 tỷ đồng xây dựng 83 công trình, hạng mục công trình phát triển KT - XH tại các xã đặc biệt khó khăn; đầu tư gần 40 tỷ đồng thực hiện dự án bố trí, quy hoạch lại dân cư, hỗ trợ tái định cư cho 320 hộ. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được quan tâm, thế trận Quốc phòng toàn dân gắn với An ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc được củng cố, tăng cường.
Công tác xây dựng Đảng được chú trọng trên cả 3 mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được triển khai nghiêm túc, có hiệu quả. Toàn Đảng bộ hiện có 39 tổ chức cơ sở đảng với 251 chi, đảng bộ trực thuộc, tăng 63 xóm có chi bộ; kết nạp được 1.194 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên toàn huyện lên 2.488 đảng viên; hằng năm có trên 75% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh, trên 70% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bảo Lâm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng nông - lâm nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa… Quyết tâm phấn đấu đến năm 2020, thu ngân sách trên địa bàn đạt 50 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực đạt 25 nghìn tấn/năm; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 26 tỷ đồng; tổng đàn gia súc đạt 77.500 con; thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu/năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt 51%; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 20%; 7 xã đạt từ 6 - 10 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 3 - 6 tiêu chí trở lên.
Toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bảo Lâm đồng lòng, đoàn kết tiếp tục phát huy truyền thống, ra sức thi đua và nỗ lực phấn đấu đến hết năm 2020 hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ IV đề ra, quyết tâm xây dựng huyện Bảo Lâm phát triển nhanh và bền vững.